Cập nhật: 19/05/2023 08:55:00
Xem cỡ chữ

“Tôi vốn sinh ra và lớn lên từ một vùng quê trung du nghèo khó… ngay từ những năm đầu chống Mỹ tôi đã theo tiếng gọi của Đảng nhập ngũ vào Công an Nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng).

“Tôi vốn sinh ra và lớn lên từ một vùng quê trung du nghèo khó… ngay từ những năm đầu chống Mỹ tôi đã theo tiếng gọi của Đảng nhập ngũ vào Công an Nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng). Sau những năm tháng công tác và chiến đấu ở nhiều cương vị khác nhau, tôi đã từng bước lớn lên và trưởng thành trong quân ngũ, đã tự khẳng định được mình để dâng trọn tuổi xuân cho đời binh nghiệp.

Gần 40 năm là người lính chiến, tôi đã đi suốt chiều dài biên giới và bờ biển của Tổ quốc, đã làm tròn nhiệm vụ của trên giao. Những năm tháng ấy có biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, biết bao nhiêu kỷ niệm để đời trên trận tuyến an ninh thầm lặng không bao giờ quên.” Đây là dòng tâm sự bộc bạch về chính mình trong cuốn” Những kỷ niệm không bao giờ quên” của tác giả Nguyễn Tiến Giảng, ông là một trong số ít người vinh dự được 3 lần gặp Bác Hồ.

Gặp gỡ ông ở tuổi 80, nhưng sự tinh anh và hào sảng của người chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vẫn toát lên trong từng lời nói, cử chỉ. Đặc biệt là lòng tự hào khi chúng tôi nhắc đến những kỷ niệm trong cuộc đời cống hiến trí lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó.

Học xong phổ thông, ông Nguyễn Tiến Giảng - xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên xung phong vào công an vũ trang. Là người mưu trí, dũng cảm nhưng lại rất giản dị, dễ gần nên ông được phân công nhiệm vụ trinh sát, phản gián. Năm 1964, ông là một chiến sỹ Cục tham mưu, Bộ tư lệnh Công an vũ trang. Năm 1970, ông được cử đi học tại Đại học an ninh.

Ngay từ khi còn học trong nhà trường, ông đã là số ít sinh viên xuất sắc được lựa chọn để tham gia tiếp quản Miền Nam, khai thác hồ sơ ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện và tham gia ổn định tình hình sau giải phóng. Tốt nghiệp đại học năm 1976 và trở thành cán bộ của Cục trinh sát - Bộ tư lệnh biên phòng cho đến khi nghỉ hưu.

Hơn 35 năm công tác ông luôn tận tụy và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương trong đó có Huân chương chiến công hạng Nhất, hạng Hai; Huân chương bảo vệ Tổ quốc; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tình báo quốc phòng”. Quá trình học tập và công tác, ở cương vị nào ông cũng luôn tận tụy, nhiệt huyết, hết lòng phụng sự Đất nước, bởi trong tâm trí ông: bàn tay nồng ấm của Chủ tịch và lời dặn của Bác “Mỗi người hãy làm việc bằng hai …” luôn âm vang.

Mỗi lần được vinh dự gặp Bác lại là một kỷ niệm tự hào và thôi thúc ông phải nâng cao hơn nữa tinh thần yêu nước, trách nhiệm của người cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Giai đoạn 1976-1992, thời kỳ chống chiến tranh biên giới phía Bắc, ông Giảng là Trưởng phòng phản gián của Cục trinh sát Bộ tư lệnh biên phòng, trực tiếp chỉ đạo các Đồn biên phòng ở 6 tỉnh biên giới, đấu tranh với bọn phản động và tình báo của địch.

Từ 1992-1999, ông được chuyển sang chỉ đạo ở tuyến biên giới Việt Nam- Lào. Làm việc tại Cục Trinh sát là cơ quan đầu ngành của lực lượng trinh sát bộ đội biên phòng, với vai trò là “tai mắt của Đảng, của Quân đội,” ông cùng đồng đội đã lặng lẽ, bền bỉ, bám nắm địa bàn, theo dõi di biến động của địch, cung cấp nhiều thông tin vô cùng giá trị, giúp cho Đảng và Bộ tư lệnh biên phòng đánh giá, dự đoán đúng những chuyển biến tình hình, đưa ra những chỉ đạo chiến lược kịp thời, làm nên nhiều chiến thắng lớn. Mặt khác, bằng sự nhạy bén, nhận định đúng tình hình, ông cũng đã đã vô hiệu hóa được ý đồ chống phá của nhiều đối tượng phản động lợi dụng tôn giáo, bà con dân tộc H’Mông trên địa bàn tỉnh Lạng sơn, góp phần xây dựng vùng biên cương thật sự bình yên.

Mỗi năm cứ đến ngày Sinh nhật Bác, trong ông Giảng lại trào dâng bao cảm xúc nhớ lại những ngày được tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch: Xác định phải vinh dự lắm mới được tuyển chọn vào Đội sinh viên, đảng viên ưu tú của Nhà trường tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch, ông cùng cả đội thợ hăng say làm những công việc được phân công. 14 ngày cạo rỉ sắt, đánh bóng những cột thép đan thành khối, trên đầu mang một băng đỏ với dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại” và trong tâm luôn nguyện cầu: Bác phù hộ cho mọi người đều được mạnh khỏe, bình an. 14 ngày được tham gia xây dựng Lăng Bác với ông là vinh dự được đóng góp công sức bé nhỏ vào công trình đặc biệt quan trọng của Quốc gia.

Trong suốt chặng đường công tác và cả khi trở về địa phương nghỉ theo chế độ, ông Giảng luôn lấy tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh làm mục tiêu để tiếp tục rèn luyện. Cá nhân ông luôn gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Đặc biệt ông còn thường xuyên tham gia sáng tác thơ văn cho các báo, tạp chí, dùng ngòi bút và những vần thơ để tiếp tục làm công tác tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân ở địa phương

Dù ở hoàn cảnh nào thì những lời căn dặn của Người lúc sinh thời vẫn luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động, việc làm. Ông Nguyễn Tiến Giảng luôn phát huy bản chất, nêu cao tinh thần người lính giữa đời thường, một tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ noi theo./.

Bích Hằng