Trẻ sơ sinh và trẻ em cần vitamin D để phát triển bình thường và phát triển xương khỏe mạnh. Nếu không có đủ vitamin D, trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh còi xương, khiến xương mỏng và yếu.
Việc trẻ có đủ vitamin D hay không là điều mà các bậc cha mẹ đặc biệt lưu tâm. Liệu trẻ có cần bổ sung vitamin D và làm thế nào để nhận biết được trẻ bị thiếu vitamin D?
Tổng quan về vitamin D ở trẻ
Vitamin D là một trong 4 loại vitamin tan trong dầu phổ biến (A, D, E, K), có vai trò quan trọng trong chuyển hóa calci và photphat - 2 yếu tố chính để cấu thành một hệ xương vững mạnh.
Vitamin D tồn tại dưới 2 dạng chính là vitamin D2 và vitamin D3.
- Loại 1: Vitamin D2 (Ergocalciferol) chủ yếu có ở các loài thực vật và nấm.
- Loại 2: Vitamin D3 (Cholecalciferol) là dạng cơ thể có thể tổng hợp được nhờ vào vai trò của ánh sáng mặt trời.
Từ tiền chất của vitamin D3 trên da (7 - Dehydrocholesterol), dưới tác dụng của tia UVB có trong ánh sáng mặt trời sẽ chuyển thành tiền vitamin D3 và sau đó là vitamin D3, trải qua quá trình chuyển hóa ở gan và thận, cuối cùng tạo thành dạng có tác dụng sinh học trong cơ thể (1,25(OH)D3).
Ngoài ra, vitamin D3 cũng hiện diện trong những thực phẩm có nguồn gốc từ động vật (các loài cá ngừ, cá hồi và trứng...).
Theo khuyến cáo, trẻ nhỏ cần bổ sung vitamin D, nhất là trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì mặc dù sữa mẹ là thức ăn tốt nhất, hoàn hảo nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ là rất thấp (544pg/mL, cung cấp khoảng 15 IU/ngày) và không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của trẻ.
Nhu cầu vitamin D khuyến nghị cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ <6 tháng là 400 IU/ngày. Ở trẻ em, đặc biệt trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi bú mẹ hoàn toàn, nếu không bổ sung vitamin D từ các nguồn khác, sẽ dẫn đến sự thiếu hụt vitamin D, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ.
Ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D cho cơ thể. Ảnh minh hoạ.
Nhận biết trẻ thiếu vitamin D?
Trẻ sơ sinh và trẻ em cũng có thể thiếu vitamin D nếu:
-
Không uống đủ sữa hoặc không ăn các thực phẩm khác có chứa vitamin D;
-
Có làn da ngăm đen;
-
Trẻ phần lớn thời gian ở trong nhà hoặc sống ở nơi có ít ánh nắng mặt trời;
-
Trẻ sinh non;
-
Trẻ phải điều trị bệnh hoặc uống một số loại thuốc;
-
Trẻ mắc bệnh lý khiến khó có đủ vitamin D, chẳng hạn như xơ nang hoặc bệnh Celiac.
Trẻ có nên tắm nắng để cung cấp vitamin D hay không?
Dựa vào những nguyên lý tổng hợp vitamin D, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của ánh nắng mặt trời trong việc cung cấp nguồn vitamin D cho cơ thể. Chơi ngoài trời có thể giúp con bạn tập thể dục và nhận được vitamin D. Tắm nắng cho trẻ có thể giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, nhưng phải tắm nắng đúng cách thì mới có đủ lượng vitamin D theo nhu cầu khuyến cáo.
- Đối với trẻ sơ sinh cần phải cởi bỏ quần áo (chỉ mặc tã, che mắt) để bề mặt da của thân mình tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời (do tia UVB không thể xuyên qua quần áo, cửa kính)
- Thời điểm để tắm nắng nên từ 6 - 9 giờ sáng và sau 5 giờ chiều. Thời gian thích hợp để giúp trẻ thúc đẩy quá trình trao đổi chất cho cơ thể là từ 6 - 9 giờ, vì thời điểm này tia hồng ngoại và tia cực tím trong ánh mặt trời khá yếu.
UVB được xem là tia có lợi nhất, có cường độ cao đến mặt đất trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Tuy nhiên, ở khoảng thời gian này, nhiệt độ nắng rất gắt, không phù hợp cho cả người lớn lẫn trẻ em.
Chưa kể, nếu phơi nắng trong khoảng thời gian này, trẻ sẽ “được khuyến mãi” thêm tia UVA (ngoài tia UVB) sẽ gây hại cho sức khỏe gấp bội. Vì vậy, thời gian trong ngày mẹ nên cho trẻ tắm nắng theo khung thời gian khuyến nghị trên.
- Thời gian phơi nắng: Phụ thuộc vào cường độ của ánh nắng và màu da. Trong thời gian mùa hè, phơi nắng khoảng 10 - 15 phút vào thời điểm 10h - 15h mỗi ngày là đủ đáp ứng nhu cầu vitamin D của hầu hết mọi người.
Ngoài ánh nắng mặt trời, vitamin D có thể được bổ sung qua đường tiêu hóa thông qua thức ăn hoặc các chế phẩm vitamin D. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bú mẹ hoàn toàn và chưa thể bổ sung vitamin D qua chế độ ăn, thì việc lựa chọn những chế phẩm vitamin D cho trẻ thực sự là giải pháp phù hợp nhất.
Tuy nhiên, việc bổ sung liều lượng bao nhiêu, loại nào thì cần sự tư vấn của bác sĩ. Bởi nếu quá liều vitamin D sẽ làm tăng calci máu, dẫn tới trẻ chán ăn, nôn, buồn nôn, vôi hóa sụn... Calci máu tăng quá cao cũng khiến trẻ bị sỏi thận, lắng đọng calci vào thận, dẫn đến hỏng thận.
Tóm lại: Vitamin D là một chất đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể, giúp cơ thể tăng hấp thu calci từ thức ăn vào máu. Từ đây calci sẽ được bồi đắp vào xương, giúp xương phát triển vững chắc.
Thông thường nhu cầu vitamin D ở trẻ dưới 1 tuổi là 400 đơn vị (IU) mỗi ngày và 600 IU mỗi ngày với trẻ từ một tuổi trở lên. Sự thiếu hụt vitamin D lâu dài có thể dẫn đến tình trạng hạ calci máu, biến dạng xương, chứng còi xương và nhuyễn xương. Bên cạnh những đối tượng bị bệnh mạn tính như suy gan, suy thận, hen suyễn, suy dinh dưỡng… trẻ sinh non, trẻ đang bú sữa mẹ hoàn toàn cũng là những đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu vitamin D.
Nếu trẻ gặp khó khăn trong việc hấp thụ đủ vitamin D và có biểu hiện thiếu vitamin, cha mẹ hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.
Theo TS. Nguyễn Trang Thuý/suckhoedoisong.vn - 12/06/2023
https://suckhoedoisong.vn/dau-hieu-cho-thay-tre-nhan-qua-it-vitamin-d-169230608161852029.htm