Cập nhật: 15/07/2023 21:14:00
Xem cỡ chữ

Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Vì vậy, những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng ngành Giáo dục tỉnh và các địa phương đã tập trung mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó giao chỉ tiêu đến năm 2025, tỉ lệ trường chuẩn quốc gia (theo chuẩn mới) đạt 70% trở lên ở tất cả các cấp học. Để đạt được chỉ tiêu này, Sở GD&ĐT đã ban hành kế hoạch công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó giao chỉ tiêu cụ thể đến từng phòng GD&ĐT và từng cấp học; đồng thời triển khai công tác đánh giá ngoài và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo đúng kế hoạch đề ra. Đối với bậc học Mầm non, tính đến tháng 9/2022, Sở GD&ĐT đã thực hiện đánh giá và công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia cho 126 trường đạt 27,63%. Trong đó, có 61 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (13,38%), 65 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (14,25%)

Việc xây dựng trường học theo các tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia do Bộ GD&ĐT ban hành được cả hệ thống chính trị của tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, do đó, ưu tiên dành mọi nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung đội ngũ cán bộ, giáo viên…Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để đạt được chỉ tiêu đề ra. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, về cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy-học của giáo viên và trẻ tại bậc học Mầm non.

Tiêu chí đầu tiên trong xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đội ngũ này cần tăng về số lượng, đảm bảo về chất lượng và ngày càng đồng bộ về cơ cấu, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh. Chính vì vậy, ngoài việc cử giáo viên đi tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực do ngành tổ chức, Ban Giám hiệu các Trường Mầm non luôn khuyến khích đội ngũ giáo viên tự trau dồi đạo đức, kiến thức của bản thân, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ.

Để đáp ứng yêu cầu các tiêu chí theo thông tư mới của Bộ GD&ĐT, các trường đã tham mưu cho Phòng GD&ĐT huyện và địa phương cơ sở quan tâm tập trung các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị đồng bộ, hiện đại cho các trường; nâng cấp cảnh quan, khuôn viên, đáp ứng các tiêu chí theo chuẩn mới; chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học; xây dựng và triển khai đề án trường học thông minh, quản lý trường học theo mô hình mới. Còn tại các trường, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên để nâng cao trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn; phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ bản đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và đồng bộ về cơ cấu.

Để nâng cao chất lượng xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ 2 ở bậc học mầm non trên địa bàn tỉnh hiện nay, đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư của chính quyền địa phương và sự vào cuộc của các cấp các ngành, sự đồng hành của các bậc phụ huynh kết hợp với công tác xã hội hóa giáo dục, như vậy, công tác giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh mới thực sự đạt được kết quả cao./.

Hà Lý