Việc giữ gìn bản sắc văn hóa vùng miền theo thời gian là một điều không dễ, trước những biến động của thời cuộc, việc giữ được bản sắc mộc mạc của làng quê là điều càng khó hơn.
Xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, một vùng đất thanh bình ven sông Hồng thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Mỗi bước đi, mỗi cách làm của chính quyền và Nhân dân địa phương nơi đây đều xuất phát từ sự trân trọng lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa của làng xã.
Nguyệt Đức là một trong những vùng quê giữ được cảnh quan đẹp như tranh vẽ, Xã được hình thành từ 3 ngôi làng cổ: Làng Nghinh Tiên, làng Đinh Xá và làng Xuân Đài. Trong đó, làng Đinh Xá là nơi lưu giữ được nhiều nét văn hóa cổ truyền nhất và mang đậm dấu ấn của làng.
“Đừng về đường ấy mà xa
Đi về Đinh Xá với ta cho gần
Đinh Xá có giếng rửa chân
Có sông tắm mát lại gần chợ phiên
Chợ Lồ một tháng 6 phiên
Ngày tư, ngày tám là phiên chợ Lồ”
Đinh Xá là một làng văn hóa cổ xưa, trước kia vốn là làng Đanh Xá. Về sau, được đổi tên Đinh Xá, là nơi đất lành chim đậu. Trong lịch sử, Đinh Xá có nhiều người tài giỏi đến khai thiên lập địa. Trải qua bao năm tháng thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, cái tên làng Đanh Xá vẫn được mọi người sử dụng song hành với Đinh Xá. Cũng theo đó, câu chuyện về Quán Đanh - đánh quan vẫn được người dân nơi đây lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Từ khi xảy ra vụ việc đó, quán Bạc đổi thành quán Đanh tức là “đánh quan” nói láy lại. Câu chuyện về đánh quan được lưu truyền như để minh chứng cho sức sống về truyền thống đấu tranh, chống áp bức bóc lột, tinh thần đoàn kết của người dân nơi đây. Làng Đinh Xá ngày nay vẫn còn cụm di tích đình chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Đình làng rộng rãi, có cây muỗm, cây đa cổ thụ là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân nơi đây với những giá trị về vật chất và tinh thần không gì có thể sánh nổi. Đặc biệt chùa làng Đinh Xá hiện nay còn lưu giữ rất nhiều những bảo vật quý hiếm, như chiếc chuông đồng cổ và những bức tượng phật bằng gỗ lim có lịch sử hàng trăm năm. Đây cũng là minh chứng tinh thần đoàn kết của người dân làng Đinh Xá cùng nhau góp sức, góp công để xây dựng ngôi chùa.
Hiếm thấy nơi nào có những di tích còn tồn tại, được tu bổ, bảo vệ cẩn trọng như làng Đinh Xá. Trong những năm tháng chiến tranh, làng có nhiều cơ sở nuôi giấu cán bộ, đóng góp sức người, sức của cho cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thanh niên trai tráng làng Đinh Xá đều hăng hái lên đường tòng quân giết giặc, 124 người con của quê hương đã vĩnh viễn ra đi, hàng chục người chẳng còn khỏe mạnh, lành lặn khi trở.
Nhắc đến lịch sử đấu tranh hào hùng của quê hương Đinh Xá, bất kỳ người dân nào cũng không bao giờ quên trận đánh lịch sử đã 70 năm qua vào hồi 11 giờ ngày 28/10/1953. Từ đó, ngày 28/10/1953 (21/9 Quý Tỵ) trở đi trở thành ngày Giỗ chung của cả làng Đinh Xá, hay còn gọi là “Ngày giỗ trận”. Tuy rời khỏi lũy tre làng, đi công tác, học tập xa quê, nhưng con cháu làng Đanh không bao giờ quên quê hương, nguồn cội.
Vào “Ngày giỗ trận” - ngày Tiệc của làng, tất cả những ai đã từng sinh ra, lớn lên ở làng đều đoàn tụ về quê hương với không gian sinh hoạt văn hóa quen thuộc: cây đa, giếng nước, sân đình. Trong không gian ấy, tấm bia bằng đá khắc ba chữ “Bia căm thù” và cột cờ chiến thắng đã trở thành biểu tượng tự hào của mỗi người con làng Đanh, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương cho thế hệ con cháu đời sau.
Từ vùng quê nghèo, lạc hậu, Nguyệt Đức đã vươn lên thành nơi đáng sống nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa của quê hương. Đến nay, không chỉ người dân Đinh Xá biết đến câu ca “bánh đúc kẻ Đanh, bánh hành kẻ Mỏ” mà món quà quê dân dã này còn được rất nhiều thực khách phương xa biết đến. Không chỉ nổi tiếng với nghề thâm canh lúa nước, làng Đanh Xá còn nổi tiếng với nghề phụ làm bánh đúc và bánh phồng.
Lưu giữ ngành nghề truyền thống của làng cũng là cách để các thế hệ người dân “kẻ Đanh” giữ lại những nét hồn cốt của dân tộc. Giữ lại hương vị truyền thống của món bánh quê hương, để nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội. Trải qua bao đời nay những “dấu xưa” của làng Đinh Xá còn lưu giữ lại vẫn mang đậm nét văn hóa của riêng “kẻ Đanh” mà cho dù có đi đến đâu họ cùng vẫn nhận ra nhau.
Bên cạnh đó, đình, chùa và các di tích lịch sử vẫn là địa điểm sinh hoạt thường ngày của cộng đồng. Xã Nguyệt Đức trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu với những tiêu chí đặc thù của địa phương, vẫn giữ lại ao, hồ trong quy hoạch với mục đích giữ lại cảnh quan cho mai sau.
“Sức sống kẻ Đanh” đã được chứng minh từ thực tế xây dựng nông thôn mới của xã Nguyệt Đức, địa phương đã không áp dụng "đồng phục văn hóa" trong quá trình xây dựng, mà đã mang đặc trưng của thôn, làng, nghề truyền thống vào quá trình ấy. Các thiết chế văn hóa làng đã trở thành không gian sinh hoạt chung của cộng đồng. Sự đa dạng của văn hóa được duy trì trong phát triển nông thôn, để mỗi vùng miền có sắc thái riêng, tạo sức hút cho du lịch đồng quê./.
Thùy Chung