Cập nhật: 19/07/2023 09:20:00
Xem cỡ chữ

Ngược dòng lịch sử, 50 năm về trước, Hà Nội và nhiều địa phương ở miền Bắc đã trải qua 12 ngày đêm không ngủ trong chiến dịch không kích hủy diệt của đế quốc Mỹ. Trong 12 ngày đêm ấy, quân và dân Hà Nội đã khiến pháo đài bay B-52 của Mỹ thất trận và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề. Góp phần làm nên thành công vang dội ấy phải kể đến trắc thủ Trần Công Đoàn - Người được vinh danh cùng kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 59 Trung đoàn tên lửa 261 bắn rơi tại chỗ máy bay B-52 của Mỹ đầu tiên trên bầu trời Hà Nội.

Tại Thôn Phù Chính, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, vào những ngày trung tuần tháng 7 nắng nóng, sức khỏe của ông Trần Công Đoàn không tốt, đi lại khó khăn và chỉ nói được rất ít, nhưng qua câu chuyện với Hội Cựu chiến binh địa phương và gia đình, chúng tôi nhận được niềm tự hào vì những đóng góp của ông làm nên chiến thắng ngay từ trận đấu đầu tiên trong chiến dịch 12 ngày đêm của Sư đoàn phòng không Hà Nội năm 1972.

Có lẽ một kỷ niệm mà ông và gia đình không bao giờ quên, đó là cuộc tái ngộ sau hơn 50 năm kể từ ngày lập chiến công hiển hách trên bầu trời Hà Nội của trắc thủ Trần Công Đoàn với thành viên kip chiến đấu bắn rơi chiếc máy bay B-52 đầu tiên của đế quốc Mỹ. Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Trung tá Dương Văn Thuận; 2 trắc thủ Lê Xuân Linh, Ngô Đức Tứ và các đồng đội thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn tên lửa 261, Sư đoàn Phòng không 361. Đã thăm ông, trao cho ông huy hiệu kỷ niệm chiến thắng B52 - Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972 nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”.

Trong câu chuyện của những người lính năm xưa, đồng chí Nguyễn Văn Chương nguyên Đại đội phó kiêm sỹ quan điều khiển Tiểu đoàn 59 đã kể lại: Thời gian đó, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn tên lửa 261 nhận nhiệm vụ triển khai trận địa chiến đấu tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, phía Đông Bắc thành phố Hà Nội. Khi bước vào chiến dịch, trận mở đầu như một duyên định bởi trắc thủ phương vị kíp 1 Nguyễn Văn Độ đang đi phép, trắc thủ Trần Công Đoàn của kíp 2 được bố trí đánh thay. Sau khi phát hiện 1 tốp máy bay B-52 có ký hiệu 671 từ phía Tam Đảo bay vào đánh Đông Anh, Sở chỉ huy Trung đoàn 261 nhận được chỉ thị của cấp trên và lệnh cho Tiểu đoàn 59 tiêu diệt tốp máy bay B-52 này.

Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn Trưởng, sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận cùng 3 trắc thủ bình tĩnh làm công tác chuẩn bị, kiểm tra khí tài sẵn sàng chiến đấu, sục sạo mục tiêu, giải nhiễu chính xác B -52, xác định tham số mục tiêu, phóng 02 quả đạn cự ly 36 km, phương vị 335°. Quả 1 nổ trúng mục tiêu, quả 2 vượt qua mục tiêu, đạn tự hủy. Sau khi đạn nổ, máy bay bị cháy to và rơi xuống cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh cách trận địa chưa đầy 10 km.

Để có được chiến công này, các trắc thủ và sĩ quan chỉ huy có sự phối hợp nhịp nhàng. Trắc thủ phương vị Trần Công Đoàn có nhiệm vụ giải nhiễu chính xác B52 và điều khiển tên lửa để đạn bay trúng mục tiêu. Trắc thủ góc tà Lê Xuân Linh, trắc thủ cự ly Ngô Đức Tứ, những đồng đội từng kề vai sát cánh bên ông đều nhớ như in hoạt động đầy dũng cảm của kíp chiến đấu trong trận đầu chiến dịch. Chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội, mở màn cho 25 trận bắn rơi máy bay B-52 Mỹ trong Chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp điện thoại xuống Sở chỉ huy Sư đoàn Phòng không 361 kịp thời biểu dương thành tích chiến đấu của Sư đoàn.

Trận chiến đấu đầu tiên kiên cường và sáng tạo đó đã góp phần làm nên một Điện Biên Phủ trên không vĩ đại, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn nhất, tàn bạo nhất chưa từng có trong lịch sử thế giới. Sau chiến thắng lịch sử, các chiến sĩ tên lửa thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 59 nhận các nhiệm vụ công tác khác nhau. Trắc thủ Trần Công Đoàn có thời kỳ công tác tại Ban Chỉ huy quân sự Mường Lay - Lai Châu; Thành Đội Việt Trì - Phú Thọ. Khi nghỉ hưu, ông trở về địa phương làm Trưởng khu hành chính Phù Chính trong nhiều năm tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, lý tưởng cao đẹp của Đảng và Nhân dân.

Lòng dũng cảm, kiên cường chiến đấu không màng tính mạng của những chiến sỹ tên lửa năm xưa, một lần nữa khẳng định tinh thần yêu nước nồng nàn của Nhân dân, cùng sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta đã tạo nên một Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” làm nức lòng Nhân dân yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên toàn thế giới./.

Tuyết Minh