Nằm giữa lòng chảo rộng lớn, trải dài những dãy núi hùng vĩ bao quanh, tỉnh Điện Biên là nơi cư trú của đồng bào 19 dân tộc anh em. Đa dạng về văn hóa, nghệ thuật ẩm thực của người dân bản địa nơi đây cũng vô cùng độc đáo.
Xôi nếp nương
Sở hữu cánh đồng Mường Thanh nổi tiếng, những hạt gạo nếp căng tròn khi đồ lên có độ sáng bóng, vị ngọt, dẻo, thơm đặc trưng. Với các nguyên liệu tạo màu tự nhiên lấy từ các loại lá, củ, quả…tạo ra các màu đỏ, tím, vàng bắt mắt. Xôi nếp ở Điện Biên khác biệt vì còn được đồ hai lần và đồ bằng chõ gỗ của đồng bào dân tộc rất công phu. Đây cũng là một nét hấp dẫn với những du khách ưu thích khám phá ẩm thực của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Xôi nếp ở Điện Biên có nhiều màu sắc bắt mắt nhờ những nguyên liệu tạo màu lấy từ tự nhiên.
Nộm quả núc nác
Núc nác là một loại cây rừng quen thuộc của đồng bào Người Thái Tây Bắc, vừa là món ăn nhưng cũng là vị thuốc quý như chống ho, thanh nhiệt... Quả núc nác còn có thể chế biến thành nhiều món ăn độc đáo như: Món xào, luộc.... nhưng hấp dẫn và ngon hơn cả là món nộm.
Món nộm núc nác được chế biến khá đơn giản, nguyên liệu chính bao gồm: quả núc nác, cá nướng băm nhỏ hoặc thịt lợn, rau thơm (rau mùi tàu và tía tô thái chỉ), lạc rang giã nhỏ, quả chanh. Để có món nộm ngon, đậm vị, đồng bào chọn lựa những quả núc nác to đang độ “bánh tẻ”, có màu xanh đậm, cá nướng thì phải chọn những con cá chép tươi sống.
Nộm quả núc nác có một chút chua hòa quyện với vị đắng nhẹ cộng thêm chút ngọt thanh lạ miệng mang đến những trải nghiệm vị giác khác lạ với mỗi thực khách.
Sâu chít
Sâu chít (sâu tre) là một loại thực phẩm có tính bổ dưỡng cao được cho là “Đông trùng hạ thảo” của Việt Nam. Sâu chít được đồng bào ở Điện Biên chế biến thành nhiều món ăn như: rang giòn, xào trứng, sấy khô, tán bột, nấu cháo hoặc có thể ngâm rượu. Các món chế biến từ sâu chít không chỉ ngon mà còn tốt cho sức khỏe, tuy nhiên lại khá kén thực khách. Rượu Sâu Chít là một trong hai đặc sản của Điện Biên được Tổ chức Kỷ lục gia Việt Nam công nhận vào top 50 món đặc sản Việt Nam lần thứ 3 (năm 2015).
Món nhậu khoái khẩu sâu chít (sâu tre) xào trứng.
Gà mọ
Các loại rau rửa sạch thái nhỏ trộn đều với gà đã rang chín và bột gạo nếp rồi cho vào lá dong gói lại cho lên chõ gỗ đồ chín tới. Món gà mọ (cáy mọ) được chế biến rất cầu kỳ, có hương vị khác lạ đặc biệt, chỉ nghe cái tên đã tạo cho người nghe sự tò mò muốn được thưởng thức nó. Nguyên liệu chính để chế biến món là thịt gà, người dân chọn những con gà được nuôi thả rừng để có thịt ngọt và thơm đậm vị nhất, gia vị đặc trưng kết hợp trong món bao gồm: Mắc khén, ớt bột, gừng, sả và các loại rau thơm như thì là, cải non, mùi tàu… và đặc biệt không thể thiếu đó là bột gạo nếp nương thơm dẻo và lá dong tươi lấy từ rừng.
Món gà mọ gói lá dong có công đoạn chế biến rất công phu, cầu kỳ.
Lạp chín
Món Lạp chín được chế biến khá đơn giản, nguyên liệu chính của món gồm: thịt nạc trâu, da trâu thui, nước măng chua, các loại rau thơm (rau mùi, mùi tàu, húng, tía tô), tỏi, ớt. Mắc khén (còn gọi là hạt tiêu rừng), các loại gia vị thông thường (muối, súp, bột ngọt). Để có món lạp thơm ngon, đậm vị thì đồng bào phải chuẩn bị rất kỹ khâu nguyên liệu, thịt trâu phải thật tươi chọn chỗ nạc, không có gân, phần da trâu chọn miếng da dày vừa để khi chế biến giữ được độ giòn.
Sau khi chuẩn bị nguyên liệu xong, đồng bào người Thái sẽ mang da trâu thui qua lửa cho giòn, ngả màu đẹp, tiếp đó rửa sạch mang đi luộc chín, rồi mang thái thành từng miếng mỏng vừa phải. Thịt nạc trâu rửa sạch băm nhỏ và xào cho chín tới, các loại rau thơm thái mỏng cắt nhỏ. Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị vào chung, thêm nước măng chua, các loại rau thơm, gia vị, một chút ớt tươi nướng, trộn đều lên cho ra đĩa để thưởng thức.
Món lạp chín ngon nhờ sự giòn bùi của da trâu kết hợp với ngậy béo thơm của thịt trâu.
Cá nướng Pa Pỉnh Tộp
Để chế biến cá nước chuẩn người Thái Đen ở Điện Biên, người ta phải chọn những con cá tầm 1 đến 1.5 kg. Sau khi rửa sạch, cá được mổ đằng lưng, để ráo nước rồi xoa một lớp muối rang nổ vào bên trong bụng cá. Hỗn hợp gia vị tẩm ướp bao gồm: mắc khén (hạt tiêu rừng), ớt tươi nước được nghiền nhỏ, hành lá, rau mùi… Tất cả được trộn đều rồi nhồi vào bụng cá. Trước khi đem đi nướng, thân cá được cố định bằng nẹp tre để con cá được nguyên vẹ sau khi chín vàng.
Cá nướng Pa Pỉnh Tộp (trong tiếng Thái, Pa Pỉnh Tộp có nghĩa là một món ăn dễ làm).
Cũng như các tỉnh vùng cao Tây Bắc khác, ở Điện Biên còn có các món ăn đặc sản của người đồng bào thiểu số nơi đây có thể kể đến như: Thịt sấy khô – Nhứa Giảng, thịt lợn nộm lá chua chát, lươn gói lá nướng, măng đắng, nộm rau rừng, dưa chua Hà Nhì, bánh khẩu xén… Nếu có cơ hội ghé thăm Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những món đặc sản vừa độc lạ lại cuốn hút khó quên.
Theo Tuấn Anh/VOV.VN - 27/07/2023
https://vov.vn/du-lich/doc-dao-nhung-mon-an-dac-san-cua-nui-rung-tay-bac-post1035232.vov