Giữa những ngày mùa thu lịch sử, muôn triệu trái tim Việt Nam dường như cùng chung một nhịp đập hướng về những năm tháng đầy gian khổ, đầy hy sinh của cả dân tộc với niềm tưởng nhớ, tri ân, xúc động và tự hào. Đó là những trang sử vàng với những chiến thắng vĩ đại được đổi bằng xương máu của lớp lớp thế hệ cha anh trong các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trên quê hương Vĩnh Phúc, vẫn còn đó nhiều di tích, tài liệu, tư liệu lịch sử minh chứng cho truyền thống anh hùng cách mạng, kiên trung, bất khuất của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Là địa phương sớm có các chi bộ Đảng từ ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, huyện Vĩnh Tường cũng là quê hương của nhiều Nhà yêu nước, thủ lĩnh của các phong trào đấu tranh cách mạng. Rất nhiều người anh hùng, chiến sĩ cách mạng đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường trong các cuộc kháng chiến, góp phần đưa đất nước đi đến ngày thống nhất, độc lập, hòa bình.
Thị trấn Thổ Tang là nơi Người lãnh tụ khởi nghĩa Yên Bái - Nguyễn Thái Học được sinh ra và lớn lên. Khởi nghĩa Yên Bái đầu năm 1930 tuy không thành công nhưng chí khí của người Anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học đã trở thành ngọn lửa thắp cháy thêm lòng yêu nước của Nhân dân trên quê hương và cả nước.
Ngôi đình Hòa Lạc thuộc xã Tân Cương trước đây, nay là xã Tân Phú, huyện Vĩnh Tường đã trở thành một địa danh lịch sử nổi tiếng trong hệ thống địa chỉ đỏ giáo dục lịch sử địa phương. Tại đây, đã diễn ra cuộc khởi nghĩa đấu tranh giành chính quyền cách mạng năm 1945 của Phủ Vĩnh Tường. Thắng lợi của các cuộc đấu tranh ở mỗi địa phương đã góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại Cách mạng Tháng Tám và mở ra kỉ nguyên mới - kỉ nguyên độc lập, tự do của dân tộc. Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc dành một khu trưng bày riêng tái hiện diễn biến cuộc khởi nghĩa đấu tranh giành chính quyền của quân dân Vĩnh Phúc mùa thu năm 1945.
Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Và từ đây, ngày 02/9 đã trở thành ngày Quốc khánh, ngày Tết Độc lập của cả toàn thể dân tộc Việt Nam.
Khi thực dân Pháp quay trở lại quyết tâm cướp nước ta một lần nữa, quân dân Vĩnh Phúc kiên trung cùng cả dân tộc tham gia trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Thực hiện lời kêu gọicủa Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Toàn quốc kháng chiến”, “Không có gì quí hơn Độc lập, Tự do”, Vĩnh Phúc vượt mọi khó khăn, thử thách với tinh thần: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Mỗi người làm việc bằng hai”. Những “Làng chiến đấu”, “Trung đội cảm tử quân” được thành lập.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Vĩnh Phúc đã đánh địch trên 6.000 trận lớn nhỏ, trong đó, có những trận nổi tiếng đi vào lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam như: trận Xuân Trạch tháng 12/1950, trận núi Đanh tháng 01/1951. Đặc biệt, để “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954, Đảng bộ Vĩnh Phúc đã tổ chức lực lượng chiến đấu ở khắp các địa phương trong tỉnh, đồng thời, bổ sung hàng nghìn chiến sĩ cho các đơn vị chủ lực tập trung cho chiến dịch, với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là nguồn sức mạnh cổ vũ tất cả các địa phương đứng lên tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai. Đến ngày 08/10/1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đã giành thắng lợi hoàn toàn.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, niềm vui chiến thắng chưa trọn vẹn thì cả dân tộc ta lại phải đối đầu với một kẻ thù có vũ khí tối tân hiện đại là đế quốc Mĩ. Hàng vạn người con ưu tú của quê hương Vĩnh Phúc tiếp tục tham gia nhập ngũ và chiến đấu. Hàng ngàn người đã nằm lại chiến trường để đất nước đi đến ngày toàn thắng 30/4/1975.
Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân - người đã đi vào sử sách Việt Nam như một biểu tượng của tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Tượng đài Anh được xây dựng ở vị trí trung tâm của huyện Vĩnh Tường còn khắc ghi lời anh nói năm xưa: “Nhằm thẳng quân thù, bắn!”.
Tên tuổi các anh hùng, liệt sĩ đã hòa vào sông núi. Dáng đứng của các anh đã làm nên dáng hình đất nước. Tổ quốc mãi ghi công! Nhân dân Vĩnh Phúc mãi tự hào về thế hệ cha ông đã làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên quê hương giàu truyền thống văn hiến, nghĩa tình.
Viết tiếp những trang sử vàng của quân dân Vĩnh Phúc trong thời kì mới, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, sáng tạo, tư duy đột phá, tạo nên những thành tựu phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, khẳng định vị thế là tỉnh luôn đứng trong TOP đầu cả nước. Vĩnh Phúc hôm nay tự hào đã và đang hiện thực hóa lời căn dặn của Bác khi Người về thăm tỉnh năm 1963: “Phải làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc nước ta”.
Tuyết Minh