Đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh nói chung, cho học sinh, sinh viên nói riêng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm, được Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp. Trong đó, đẩy mạnh đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy thường xuyên được coi là nhiệm vụ quan trọng và thu được kết quả thiết thực.
Để làm tốt công tác này, thời gian qua, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh trường Đại học Sư phạm Hà Nội II luôn chủ động khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực đổi mới phương pháp giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên của Nhà trường và các trường liên kết theo Thông tư liên tịch số 123 ban hành ngày 05/11/2015 của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời thực hiện hiệu quả việc đổi mới hình thức và phương pháp giảng dạy, thời gian qua Trung tâm đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy theo hướng chủ động, sáng tạo, tăng năng lực thích ứng, lĩnh hội kiến thức; hình thành, phát triển tư duy, kỹ năng quân sự, an ninh cần thiết cho sinh viên là giải pháp quan trọng hàng đầu.
Đặc biệt, Trung tâm đã tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy thực hành, gắn với đặc thù môn học. Các dụng cụ, trang thiết bị, vũ khí quân dụng được Trung tâm đầu tư bài bản, thiết kế bài giảng phù hợp với từng môn học, buổi học. Qua đó, đã giúp cho Giảng viên truyền tải kiến thức quốc phòng hiệu quả đến sinh viên.
Xác định việc đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo.Thời gian qua, Lãnh đạo trung tâm đã chỉ đạo Phòng Đào tạo quản lý sinh viên, các khoa, giáo viên chủ động, tích cực xây dựng đề cương chi tiết tập bài giảng, hoàn chỉnh các học phần; tích cực đổi mới phương pháp học tập, nghiên cứu, nhất là phương pháp tự học, kịp thời đóng góp ý kiến cho giảng viên để rút kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy; chú trọng làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên.
Cùng với đó, phát huy vai trò, nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giảng viên trong nghiên cứu, giảng dạy; điều chỉnh thời lượng giảng dạy theo quy định, nhất là các nội dung mới được cập nhật. Đặc biệt, cần đưa đối tượng học viên đang đào tạo tham gia kiêm chức trung đội trưởng, trực tiếp duy trì luyện tập các nội dung thực hành và các hoạt động ngoại khóa như thể dục, thể thao. Cách làm này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp sinh viên dễ dàng được tiếp cận, làm quen nội dung thực hành, rèn luyện các kỹ năng quân sự và để học viên được “thực tập công tác quản lý, kiến tập công tác giảng dạy” ngay từ năm học thứ nhất thay vì năm học thứ ba như trước đây.
Để đổi mới hình thức và phương pháp giáo dục đào tạo, đáp ứng với xu thế hiện nay, Trung tâm đã có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở vật chất được trang bị, xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu để giảng viên tiếp cận, nghiên cứu, khai thác sử dụng các công cụ, nội dung đưa vào giảng dạy.
Quan tâm đầu tư học liệu, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật mới, hiện đại phục vụ giảng dạy, học tập. Tính riêng năm học 2022- 2023, Trung tâm đã tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh, cấp chứng chỉ cho gần 40.000 sinh viên; trong đó, có hơn 90% đạt khá, giỏi, được các trường liên kết ghi nhận, đánh giá cao.
Phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tiếp tục bám sát sự phát triển và đòi hỏi từ thực tiễn, đẩy mạnh đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hà Lý