Mặc ý kiến trái chiều, anh Phan Hồng Sơn (41 tuổi, ngụ Hà Nội) vẫn khẳng định: "Ban đầu cảm giác sợ, hơi ghê nhưng khi bình tĩnh thử sẽ rất ngon".
Món ăn thử thách mọi thực khách
Vừa qua, bài chia sẻ cách chế biến món lẩu rắn của anh Phan Hồng Sơn trên một cộng đồng yêu ẩm thực đã nhận về hàng nghìn ý kiến trái chiều, đặc biệt là chi tiết chủ nhà để nguyên da rắn khi nấu nhằm giúp món ăn giữ hương vị nguyên bản.
Nhiều cư dân mạng "khiếp vía" khi xem, thậm chí chia sẻ bản thân "nhìn đã sợ" nên sẽ không bao giờ nếm món ăn này. Về câu chuyện này, anh Sơn cho biết đây không chỉ là ý kiến của mạng xã hội mà còn ở cả những người bạn, người thân trong gia đình anh khi lần đầu chứng kiến.
Bức ảnh khoe cách chế biến lẩu rắn hổ nguyên da của anh Sơn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Lý giải cho việc nấu nồi lẩu rắn nguyên da, anh Sơn cho rằng trước khi thực khách có cảm nhận cắn ngập răng, anh muốn thử thách mọi người về hình ảnh, nếu vượt qua "cửa ải" này thì mới có thể ăn.
"Mặt khác, mình biết là ít người làm món này mà để nguyên da, nhưng khi bình tĩnh thử thì sẽ thấy ngon, rắn mềm ngọt không bị dai, không bị tanh, cảm nhận được mùi sả, mùi lá chanh, vị ngọt của nước dừa, vị béo của mỡ gà…", anh Sơn nói.
Theo anh Sơn, cách anh chế biến giúp giữ vị nguyên bản, đồng thời thử thách thực khách (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Cũng theo anh Sơn, bạn bè của anh sau đó tấm tắc khen ngon khi được nếm món ăn độc đáo này. Đặc biệt, cả vợ con anh cũng không sợ mà vô cùng hào hứng thưởng thức.
"Mọi người thường nghĩ rắn là loài có độc, cảm giác da ẩm ướt, mềm mại bò qua chân đã gây ớn lạnh chứ đừng nói là ăn nó. Khi thấy món lẩu nguyên da, mọi người chê không dám ăn, nhưng cũng như cách người Việt ta ăn trứng vịt lộn, tiết canh khiến người Tây hoảng sợ… Tùy cách nhìn nhận mà có thưởng thức khác nhau thôi", anh Sơn nói thêm.
Đam mê chế biến các món ăn kỳ lạ
Lần đầu tiên anh Sơn được ăn rắn là khi về thăm làng Lệ Mật - Gia Lâm. Đây là nơi rất nổi tiếng với nghề nuôi rắn và chế biến đặc sản này.
Thế nhưng, trước đây anh Sơn chỉ nếm qua các món chả rắn, xương rắn xúc bánh đa… Vì vậy, anh muốn sáng tạo thêm nhiều món ăn từ loài động vật này.
"Bản thân mình rất thích ăn uống, vì vậy mỗi lần có món lạ là tò mò hỏi nguyên liệu, cách chế biến. Món lẩu rắn này lần đầu tiên mình làm, cứ theo kinh nghiệm thực tế để tẩm ướp, gia giảm", anh Sơn nói.
Để đảm bảo độ ngon của món ăn, anh Sơn đã chế biến rất cầu kỳ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Theo đó, loài rắn anh Sơn sử dụng là rắn hổ trâu, không độc. Rắn sau khi được làm thịt, rửa sạch thì sẽ cấp đông bảo quản. Đến khi cần dùng, anh Sơn sẽ rã đông, rửa giấm, rượu nhằm hạn chế mùi tanh rồi ướp trên 10 loại gia vị khác nhau trong 30 phút.
"Làm nóng chảo, mình sẽ cho mỡ lợn vào, sau đó là hành khô, sả băm rồi mới cho rắn vào đảo cho săn. Tiếp theo là sả đập dập, nước dừa tươi đun sôi 5 phút. Bên cạnh đó, nồi lẩu cũng cần một con gà mái đẻ 1,2 lứa, còn trứng hạt mây", anh chia sẻ.
Ngoài món rắn, anh Sơn từng chế biến nhiều món ăn có phần "kinh dị" khác để đãi bạn bè, gia đình (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Theo anh Sơn, nhằm tăng vị ngon của nồi lẩu thì khi dùng, cần múc rắn và gà theo tỉ lệ 1:1. Lẩu rắn nấu gà mái có đầy đủ dư vị nên chỉ cần cắn một miếng sẽ ngập răng, tạo cảm giác vượt qua mọi nỗi sợ.
"Mỗi lần mình đều chế biến 1 món khác nhau từ nguyên liệu đó để cả gia đình không bị nhàm chán. Ngoài rắn, mình đã làm món chuột đồng nướng sa tế, chuột đồng xào sả ớt, chuột đồng cháy tỏi", anh Sơn cười.
Theo Loan Tô/dantri.com.vn - 18/08/2023
https://dantri.com.vn/doi-song/lau-ran-ho-nguyen-da-gay-khiep-via-chu-nha-khen-vuot-noi-so-se-rat-ngon-20230818005404914.htm