Thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ về huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2019-2025, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách nhằm xã hội hóa giáo dục…Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục hành chính cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thành lập và đi vào hoạt động.
Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn quy trình hoạt động, tổ chức tập huấn, quản lý chuyên môn đối với các cơ sở mầm non tư thục; phân công các trường mầm non công lập cùng địa bàn hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở mầm non tư thục.
Đến nay, toàn tỉnh có 14 trường mầm non tư thục và trên 200 nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục, huy động được gần 17.000 trẻ ra nhóm, lớp. Nhiều trường có diện tích rộng rãi, sân chơi thoáng mát, cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, hiện đại, phương pháp giáo dục tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tê, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ đạt chất lượng cao đã được nhiều trường mầm non tư thục quan tâm đầu tư, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Qua đó góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Hiện nay, việc phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã góp phần giải bài toán quá tải cho hệ thống các trường công lập, đặc biệt là ở các Khu công nghiệp có biến động dân số cơ học nhanh, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của một bộ phận người lao động. Trước đây, thay bằng việc các phụ huynh phải đón con đúng giờ theo quy định, thì việc có hệ thống mầm non ngoài công lập như thế này, đã giúp cho các bậc phụ huynh, đặc biệt là những phụ hunh phải tăng ca, tan muộn thuận tiện hơn trong việc đón trẻ. Trẻ học tư thục cũng được giành thời gian để trang bị những kỹ năng mềm và làm quen sớm với bộ môn tiếng anh.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy, hiện nay,với những ưu điểm mà hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập đem lại cho trẻ và các bậc phụ huynh, hệ thống mầm non ngoài công lập vẫn đang gặp phải những khó khăn nhất định. Tại một số trường Mầm non phân khúc quốc tế hoặc chăm sóc giáo dục trẻ bằng phương pháp giáo dục sớm như Montes hay Stem đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải có trình độ và bằng cấp đạt chuẩn quốc tế, hoặc đáp ứng tối thiểu lượng kiến thức cần có để áp dụng các phương pháp giáo dục mới.
Để làm được điều này, đến thời điểm này, hầu hết các trường đều phải tự trang bị kiến thức, cử giáo viên đi học đạt trình độ chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, một yếu tố cũng rất quan trọng mà các trường mầm non tư thục đang gặp phải đó là vấn đề trang bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu cho trẻ khá tốn kém, áp lực cho chủ đầu tư. Chính vì vậy, việc mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành đoàn thể và ngành giáo dục là vấn đề đang được rất nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập quan tâm.
Cơ sở tư thục thường đón trẻ từ sớm, nhưng trả trẻ muộn, điều này gây áp lực cho giáo viên mầm non ngoài công lập. Thay bằng việc làm 8h/ngày, những giáo viên mầm non ngoài công lập thường làm việc trung bình 10 tiếng mỗi ngày mà không nhận được thêm các khoản trợ cấp nào ngoài cơ sở. Chính vì vậy, song song với việc phát triển hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập thì việc hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên hiện nay đang được rất nhiều giáo viên kỳ vọng và mong mỏi.
Có thể khẳng định, việc phát triển hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập có ý nghĩa quan trọng trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ ở bậc học mầm non. Bên cạnh những khó khăn, tồn tại mà hệ thống giá dục mầm non ngoài công lập đang gặp phải hiện nay, các cấp các ngành, đặc biệt là ngành Giáo dục đang rất quan tâm, tạo cơ chế, chính sách để giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển. Đây là hướng đi triển vọng trong tương lai góp phần đào tạo ra thế hệ mầm non tương lai của đất nước.
Hà Lý