Cập nhật: 10/11/2023 09:42:00
Xem cỡ chữ

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng của một thời hoa lửa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính đã từng vào sinh ra tử.

Hành trang trở về của họ còn mang theo những kỷ vật thiêng liêng gắn với những hồi ức không thể quên. Nhìn kỷ vật lưu giữ, những người lính lại nhớ ký ức về những ngày tháng lịch sử, nhớ về đồng đội, nhớ về một thời hoa lửa, hào hùng. Nhiều năm đã trôi qua nhưng những kỷ vật ấy được nhiều cựu chiến binh cất giữ cẩn thận như những tài sản quý giá nhất của mình.

Cựu chiến binh Nguyễn Hải Trung, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo đã ở tuổi xưa nay hiếm. Gần 90 tuổi, cựu chiến binh Nguyễn Hải Trung mắt đã kém, chân đã run nhưng khi biết phóng viên muốn tìm hiểu về những kỷ vật của thời chiến, ánh mắt ông rạng rỡ kể cho phóng viên nghe về đời lính, về những tháng năm quân ngũ. Đặc biệt là những kỷ niệm khi ông bị địch bắt tù đày và cuộc vượt ngục dài 12 ngày đêm của ông. Đến hôm nay, ông vẫn còn nhớ rõ, tỏ tường từng giây phút của những ngày tháng năm xưa.

Là người may mắn được trở về sau cuộc chiến, Cựu chiến binh Trịnh Thanh Bình thôn Minh Tân, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo luôn giữ gìn và trân trọng 2 kỷ vật gắn với cuộc đời quân ngũ của mình: chiếc mũ cối và bức ảnh khi còn trong quân ngũ. Ông và đồng đội của mình đã dành cả phần đời còn lại để sưu tầm và lưu giữ những kỷ vật đã gắn liền với ông và đồng đội trong những năm tháng chiến tranh ác liệt như một cách để tri ân đồng đội - những người đã mãi mãi gửi lại tuổi xuân nơi chiến trường. Để mỗi lần gặp nhau lại cùng nhau ôn lại về một thời hoa lửa năm xưa. Những món đồ cũ đậm màu thời gian là những câu chuyện mà mấy chục năm trôi qua vẫn không phai mờ trong ký ức của họ. Mỗi kỷ vật dù nhỏ bé nhưng là câu chuyện ghi dấu ấn hào hùng của những người lính và cả bản thân mình.

Cũng giống như ông Bình, ông Nguyễn Văn Đổng, thôn Vân Giang, xã Lý Nhân luôn đau đáu trong lòng rằng mình phải làm gì đó để lưu giữ được những ký ức, kỷ niệm về một thời chiến tranh gian khó. Năm 1967, cũng giống như bao thanh niên khác, ông Đổng lên đường nhập ngũ vào chiến trường Long An. Không may, trong một trận chiến khốc liệt, nhiều đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh, còn ông thì bị thương nặng.

Năm 1971, ông được đơn vị cho phục viên với tình trạng mất sức khỏe 51%. May mắn sống sót bước ra khỏi cuộc chiến tranh, được trở về quê nhà, đau đáu trong mình nỗi nhớ thương đồng đội đã cùng sát cánh với mình. Và cũng chính từ đây, ông miệt mài sưu tầm, gom góp những kỷ vật gắn bó với người lính trong các cuộc kháng chiến của dân tộc. Từng vật dụng này đều được ông dán nhãn, đánh dấu tỉ mỉ, khoa học những thông tin như tên người lính từng gắn bó với kỷ vật, quê quán, đơn vị tham gia chiến đấu hay tên người tặng kỷ vật.

Đến nay, ông Đổng đã sưu tập được hơn một nghìn kỷ vật, và ông cũng đã trao tặng hơn 100 kỷ vật cho Đền thờ liệt sĩ huyện Vĩnh Tường. Đó là những chiếc bình tông, ăng-gô, vỏ các loại đạn pháo, những chiếc áo chấn thủ, bản đồ thời chiến, những lá cờ... Đặc biệt, có rất nhiều chiến lợi phẩm được bộ đội ta sáng tạo làm thành những đồ dùng rất hữu ích, như: ca uống nước, lược, quần áo, chăn gối khâu từ những tấm bạt dù, bình hoa làm bằng các loại vỏ đạn pháo… Tất cả đều được những người lính năm xưa lưu lại, như bảo vệ một phần ký ức không thể nào quên, để có thể trao truyền cho các thế hệ mai sau.

Phải là những người lính trận mạc mới cảm nhận và thấm thía nghĩa tình đồng đội, mới thấy quý giá đến từng kỷ vật nhỏ nhất. Bởi thế những kỷ vật được những người lính lưu giữ là những kỷ vật của máu, mồ hôi và nước mắt của những người đã ngã xuống đem theo tuổi thanh xuân, đem theo ước nguyện hóa thân vào lòng đất.

Những kỷ vật và những ký ức bi tráng, hào hùng đó sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc, hiểu hơn sự hy sinh, mất mát của những người lính. Để ngày hôm nay, thế hệ trẻ tiếp tục viết tiếp bản hùng ca chiến thắng trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thùy Chung