Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại “chấn động địa cầu”, có tầm vóc ảnh hưởng đến nền hòa bình thế giới.
Gần 70 năm qua, tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm của hơn 90 triệu người dân Việt Nam, in đậm trong trái tim của những chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Đặc biệt hơn nữa, những kỷ vật gắn với chiến dịch này đã trở thành biểu tượng đầy tự hào của dân tộc, là báu vật vô giá của mỗi đời lính, của tuổi thanh xuân .
Đối với những người lính Điện Biên năm xưa, chiếc huy hiệu mang đậm giá trị sâu xa. Chiếc huy hiệu in hình ảnh người chiến sỹ với chiếc mũ nan đang giương súng chiến đấu với lá cờ đỏ sao vàng in dòng chữ “Quyết chiến, quyết thắng” - giải thưởng luân lưu Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tặng cho các đơn vị, Đại đoàn trước khi lên đường ra mặt trận để các chiến sĩ phất cao cờ Bác trao trong mỗi trận thắng. Bao quanh là cảnh núi rừng, thể hiện địa hình chiến đấu hiểm trở của chiến trường Điện Biên Phủ. Trên huy hiệu còn có hình ảnh pháo binh - đơn vị Pháo cao xạ lần đầu tiên xuất trận tại Điện Biên Phủ và lập nên những chiến công xuất sắc với dòng chữ mang tính cổ động một cách ngắn gọn nhưng khái quát “Xuân 1954” – để khẳng định quyết tâm ghi dấu chiến thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ vào năm đó. Nền huy hiệu có biểu tượng màu vàng là tượng trưng cho cánh đồng Mường Thanh, với sự chiến đấu kiên cường, anh dũng của những chiến sĩ Điện Biên đem lại mùa vàng ấm no trên cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc .
Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên là phần thưởng vô giá mà Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng những cán bộ và chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày 13/3-7/5/1954. Theo dòng thời gian, nhiều chiến sỹ Điện biên năm xưa đã mất, những ai còn đều đã ngoài 90 tuổi, mắt mờ chân chậm, các cụ đã nâng niu kỷ vật như báu vật của cuộc đời mình và trong các ngày lễ trọng đại lại được trang trọng gắn lên ngực áo, nơi nhịp đập trái tim âm vang niềm tự hào, khí thế sục sôi của một thời máu lửa như lời khẳng định rằng chúng ta luôn hướng tới tương lai, nhưng không bao giờ quên lịch sử .
Cụ Trần Minh Quang ở phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên là một chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Nay đã ngoài 90, biết mình tuổi gia sức yếu, Cụ đã trao gửi chiếc huy hiệu quý giá và mảnh vải dù đỏ của mình cho Bảo tàng quân khu II với mong muốn truyền lửa cho các thế hệ trẻ, để qua những hiện vật này chúng ta luôn tự hào về thế hệ cha ông và viết tiếp bản anh hùng ca chói lọi của thời đại Hồ Chí Minh, đưa đất nước lên một tầm cao mới, thực hiện khát vọng ngàn đời của dân tộc là xây dựng đất nước phồn vinh và hùng cường.
Không phải ngẫu nhiên mà danh từ “Điện Biên Phủ” lại có tên trong từ điển bách khoa quân sự thế giới, chính lòng yêu nước, tinh thần quyết chiến, quyết thắng và trí tuệ Việt Nam được kết tinh và biểu hiện tập trung trong đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, tài thao lược của Đảng và Bác Hồ, của khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam và chính sự cống hiến, hi sinh tuổi thanh xuân, trí và lực cho đất nước của chiến sỹ Điện Biên Phủ năm xưa - những con người đã đi vào lịch sử của dân tộc làm nên chiến thắng lừng lẫy đó.
Tấm huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ” mãi mãi là niềm tự hào mà không phải ai cũng có được. Và ai đã từng được gắn trên ngực áo tấm huy hiệu đó là đã nhận được sự tri ân bởi được sống, chiến đấu, hi sinh trong giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên trở thành báu vật đã và sẽ luôn được nâng niu, gìn giữ cho các thế hệ ./.
Bích Hằng