Cập nhật: 16/02/2024 08:19:00
Xem cỡ chữ

Trẻ 5 tuổi có thể kiểm soát được việc đi tiểu như người lớn. Do vậy, trẻ trên 5 tuổi mà chưa kiểm soát được việc đi tiểu thì trẻ đã mắc rối loạn tiểu tiện.

Rối loạn tiểu tiện ở trẻ em là gì?

Khi được 2 tuổi, trẻ bắt đầu cảm nhận được cảm giác đầy bàng quang và bắt đầu từ đó trẻ có thể kiểm soát được việc đi tiểu vào ban ngày. Từ 5 tuổi trở lên trẻ có thể kiểm soát được việc đi tiểu như người lớn. Do vậy, trẻ trên 5 tuổi mà chưa kiểm soát được việc đi tiểu thì trẻ đã bị mắc rối loạn tiểu tiện.

Rối loạn tiểu tiện là tình trạng tăng số lần đi tiểu vào ban ngày, mỗi lần một lượng ít, không có dấu hiệu tiểu máu hay đau khi đi tiểu.

Rối loạn tiểu tiện ở trẻ em có tự khỏi?- Ảnh 1.

Trẻ trên 5 tuổi mà chưa kiểm soát được việc tiểu tiện thì trẻ đã mắc rối loạn đi tiểu. Ảnh minh họa.

Nguyên nhân của rối loạn tiểu tiện

Đến nay chưa có nguyên nhân cụ thể nào được tìm thấy gây nên tình trạng rối loạn tiểu tiện. Người ta nhận thấy có một số yếu tố thúc đẩy dễ đưa đến hiện tượng trên, bao gồm:

- Yếu tố nội tại: Viêm bàng quang không nhiễm khuẩn, viêm niệu đạo do hóa chất, bất thường thành phần nước tiểu, nước tiểu có nhiều canxi, bàng quang tăng nhạy cảm khi gặp thời tiết lạnh

- Yếu tố tâm lý: Chuyển trường, môi trường học tập mới, bị bắt nạt trong trường hoặc chuyển nhà, cha mẹ bất hòa, ly hôn, người thân qua đời, có thêm em nhỏ…

Biểu hiện của rối loạn tiểu tiện ở trẻ

Những biểu hiện của rối loạn tiểu tiện ở trẻ em bao gồm loại sau:

  • Tiểu không tự chủ: trẻ không có khả năng kiểm soát việc đi tiểu.

  • Tiểu khó: tiểu đau, tiểu rát hoặc khó đi tiểu.

  • Tiểu dầm: tiểu không kiểm soát khi trẻ đang ngủ.

  • Tiểu gấp: trẻ tiểu són ra quần ngay khi có mắc tiểu.

  • Tiểu nhiều lần: tiểu > 1 lần mỗi giờ.

  • Tiểu ít lần: số lần đi tiểu < 3 lần mỗi ngày

Rối loạn tiểu tiện ở trẻ có tự khỏi không, trường hợp nào cần phải điều trị?

Rối loạn tiểu tiện ở trẻ là hiện tượng lành tính và có thể tự khỏi, thường từ 8 tuần đến vài tháng. Cha mẹ cần tìm hiểu, trò chuyện với trẻ để phát hiện những yếu tố có thể thúc đẩy trẻ mắc phải tình trạng này. Ví dụ như yếu tố trường học, yếu tố gia đình, và giúp trẻ điều chỉnh lại thói quen đi tiểu mà không cần phải dùng thuốc hay biện pháp can thiệp xâm lấn nào.

Trong trường hợp rối loạn đi tiểu ở trẻ kéo dài, không tự khỏi dù gia đình đã sử dụng liệu pháp tâm lý, cha mẹ cần đưa trẻ đến khám bác sĩ để được thăm khám. Rối loạn tiểu tiện kéo dài ở trẻ không chỉ ảnh hưởng ít đến vấn đề sinh hoạt của trẻ mà còn có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn như: nhiễm trùng tiểu tái phát, viêm đài bể thận cấp, thận ứ nước, trào ngược bàng quang niệu quản, suy thận…

Theo suckhoedoisong.vn - 15/02/2024

https://suckhoedoisong.vn/cac-bien-chung-nguy-hiem-cua-trao-nguoc-da-day-thuc-quan-169240206150323868.htm