Cập nhật: 10/05/2024 09:00:00
Xem cỡ chữ

Làng nghề rèn Lý Nhân không còn xa lạ với người dân Vĩnh Phúc mà còn rất nổi tiếng trên cả nước bởi chất lượng và độ bền của sản phẩm. 

Xã Lý Nhân có 3 thôn: Bàn Mạch, Vân Giang và Văn Hà đều có nghề truyền thống. Riêng Bàn Mạch có nghề rèn thủ công lâu đời, nhưng có vào thời điểm nào vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Người dân Bàn Mạch chỉ truyền miệng nhau rằng: nơi đây, xưa kia đất đai trù phú, rất thuận lợi cho nghề nông phát triển, thế nhưng đây chỉ là một vùng quê nghèo. Một ngày kia, có ông Quận công về làng, thấy mảnh đất nơi đây có thể phát triển thịnh vượng mới mượn thầy giỏi về truyền nghề, dạy việc. Nghề rèn ở Bàn Mạch ra đời từ đó.

Các sản phẩm của nghề rèn ở Lý Nhân được nhiều người ưa dùng là bởi chất lượng của nó. Một con dao do chính người thôn Bàn Mạch làm ra có thể dùng mòn đến tận gáy mà vẫn còn sắc. Ngày nay, làng nghề Bàn Mạch đã mạnh dạn áp dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất, từng bước cơ khí hoá nghề rèn truyền thống để tăng năng suất lao động, giảm ngày công lao động. Tuy nhiên, vẫn có những nghệ nhân vẫn còn giữ cách làm nghề thủ công truyền thống. Trong đó, có nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trọng ở thôn Bàn Mạch luôn bền bỉ giữ lửa nghề rèn qua bao thăng trầm, biến động.

“Giữa trăm nghề, chọn nghề thợ rèn

Ngồi xuống nhọ lưng, quệt ngang nhọ mũi

Suốt tám giờ chân than mặt bụi…”

Trong bộn bề âm thanh của tiếng búa, tiếng thổi bễ lò rèn, tiếng máy mài ở làng nghề, chúng tôi được nghe ông Trọng kể biết bao câu chuyện về một thuở nghề rèn làng Bàn Mạch, xã Lý Nhân vang danh khắp một thời.

Ông Trọng là một trong những lò rèn còn giữ lại được lửa nghề theo đúng phương pháp thủ công truyền thống, dù tuổi đã cao. Thợ rèn không ai làm một mình, để làm nghề, mỗi nhóm thợ rèn thường có ba người gồm thợ cả, thợ phụ đánh búa và thợ phụ chuyên kéo bễ, mài sắc và sáng sản phẩm…

Không có công thức hay khuôn mẫu cụ thể cho thợ rèn. Người giỏi nghề phải có tài quan sát, cảm giác tốt và đúc rút được nhiều kinh nghiệm để có thể kiểm soát nhiệt độ, xác định độ “chín” của kim loại và tự tin quyết định chất lượng sản phẩm thật dung hòa, cứng nhưng không giòn, dẻo nhưng không mềm. Cũng như bao nghề thủ công, phải “làm dâu trăm họ”, chữ tín của nghề rèn buộc thợ phải nỗ lực không ngừng nghỉ và cũng cần đến sự sáng tạo, tài hoa của một nghệ nhân. Ông Trọng trụ lại với nghề không đơn thuần chỉ bởi mục đích mưu sinh mà niềm ước mong chân thành nhất đó là giữ cho nghề rèn tưng bừng hoa lửa khi xưa không bị đứt đoạn.

Ở những góc nhỏ của đời sống bộn bề, hiện đại, vẫn không thể phủ nhận giá trị thực tế và tinh thần mà các sản phẩm thủ công mang lại. Nghề mây tre đan cũng là một nghề truyền thống như vậy. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 2 làng nghề mây tre đan nổi tiếng đó là mây tre đan ở xã Cao Phong và xã Triệu Đề. Ban đầu, sản phẩm mây tre đan làm ra chỉ để phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình, dần dần mở rộng thị trường tiêu thụ sang các xã lân cận. Đặc biệt, từ khi làng nghề mây tre đan thôn Mới xã Cao Phong và làng nghề mây tre đan Triệu Xá, xã Triệu Đề được UBND tỉnh chính thức công nhận là làng nghề truyền thống đã giúp cho nghề thủ công này có thêm một bước tiến mới.

Trong những năm gần đây, người làm nghề mây tre đan ở Cao Phong đã được tiếp cận với công nghệ sơ chế mây. Nghề sơ chế mây ở Cao Phong hiện nay được xem là chiếm ưu thế hơn. Đối với nghề đan lát, mây tre đan do đầu ra của các sản phẩm không ổn định, vài năm trở lại đây nghề thủ công này đã không còn sôi động như trước nữa. Những sản phẩm như thúng, mủng, nong, nia… giờ đã được thay bằng các chất liệu nhựa, innox… Những nghệ nhân làng nghề đang dần mất đi vị thế của mình, cộng thêm họ đều là những người già, độ tuổi trung bình làm nghề hiện nay là tương đối cao.

Một trong những nghề thủ công truyền thống có nhiều làng nghề nhất phải kể đến nghề mộc. Đối với Vĩnh Phúc, không biết câu ca dao “Mộc Tứ Xã, ngõa Hương Canh” có từ bao giờ, chỉ biết rằng nghề mộc Tứ Xã đã nổi tiếng từ những năm đầu thế kỷ XX. Tứ Xã nay thuộc địa phận thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc bao gồm 4 làng Xuân Lãng, Yên Lan, Hợp Lễ, Minh Lương. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thợ Láng Thanh Lãng ngày càng nổi tiếng với nghề mộc truyền thống tồn tại và phát triển theo phương thức cha truyền con nối.

Đến nay quy trình làm đồ mộc của Thanh Lãng luôn kết hợp giữa cách làm hiện đại và truyền thống cho ra những sản phẩm tinh xảo. Để có được những thành quả như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của những người thợ gỗ tài hoa nơi đây. Ngoài ra Trên địa bàn Vĩnh Phúc còn có làng nghề mộc Bích Chu, Thủ Độ thuộc xã An Tường, huyện Vĩnh Tường cũng được rất nhiều người biết đến.

Làng nghề truyền thống là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa dân gian được bồi đắp theo bề dày lịch sử, sản sinh và lưu giữ những giá trị văn hóa, tinh thần đặc sắc của dân tộc. Thế nhưng, các làng nghề trên địa bàn tỉnh nói riêng và các nghề thủ công truyền thống nói chung hiện phải đối diện với bài toán - tồn tại hay không tồn tại. Cũng chính vì vậy mà Vĩnh Phúc đã và đang tích cực triển khai các giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề theo hướng hài hòa giữa giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng với thời kỳ hội nhập quốc tế.

Thùy Chung