“Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”
Trong những ngày tháng 5, mỗi người dân Việt Nam chúng ta khi nhắc đến thuở sinh thời của Bác Hồ kính yêu, trong tim luôn trào dâng một cảm xúc bồi hồi khó tả với tấm lòng trân trọng, biết ơn và thành kính. Đặc biệt hơn, với những người lính, được gặp Bác Hồ là vinh dự lớn lao trong cuộc đời, là động lực để sống, chiến đấu, học tập, làm việc tốt hơn mỗi ngày. Nhờ đó, nhiều người lính đã không ngừng nỗ lực đạt nhiều thành tích để về báo công với Bác.
55 năm Bác đã đi xa, song những người từng được gặp Bác đều có chung niềm vinh dự, tự hào. Hình ảnh chân thực và những giá trị cao đẹp trong con người Bác đã không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ, việc làm trong họ mà còn là động lực tinh thần to lớn để họ không ngừng phấn đấu trở thành những tấm gương sáng trong học tập, rèn luyện, công tác, đồng thời dẫn lối, chỉ đường để các thế hệ trẻ bước tới tương lai.
Ông Trần Văn Chi, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên là lính thông tin đã từng đi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Dù đã ở tuổi 90, từng nếm mật nằm gai với biết bao gian lao ở chiến trường nhưng ông vẫn rất mẫn tiệp. Nhiều đồng đội của ông đã không còn nên những nhân chứng lịch sử như ông giờ ngày càng hiếm. Nhiều tháng năm đã trôi qua nhưng trong ông vẫn vẹn nguyên ký ức. Từ những lần đầu tiên được gặp Bác và ngắm Bác khi ông mới là chàng lính thông tin 17 tuổi.
Từ năm 1955- 1957 là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời ông Chi khi ông được phân công nhiệm vụ chịu trách nhiệm phục vụ âm thanh cho bác Hồ. Niềm vui hiện lên ngay trong ánh mắt và nụ cười của ông khi nhớ lại hình ảnh mình một máy âm ly và 2 chiếc loa đi theo Bác. Ông được chứng kiến nhiều buổi nói chuyện của Bác với đủ mọi tầng lớp Nhân dân. Bác Hồ và những lời dạy của Người chính là nguồn động viên vô cùng to lớn, khích lệ tinh thần người lính khi xung trận, vượt mọi gian khó, quyết chiến đấu giành độc lập dân tộc. Với ông Chi, hình ảnh của Bác trong cuộc sống gần gũi giản dị nhưng tinh thần của Người lại quá vĩ đại và lớn lao.
Một trong những người lính Điện Biên Phủ may mắn còn sống đến ngày hôm nay, đó là trinh sát Nguyễn Hữu Đào. Ông Đào có niềm vinh dự lớn lao là 2 lần được gặp Bác Hồ. Với ông, đó là một niềm vinh dự, tự hào giống như những tấm huy chương ông đang đeo trên ngực.
Tác giả cuốn “Những kỷ niệm không bao giờ quên” - Nguyễn Tiến Giảng ở xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên là một trong số ít người vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ. Ở tuổi 80 nhưng sự tinh anh và hào sảng của người chiến sỹ vẫn toát lên trong từng lời nói, cử chỉ. Đặc biệt là lòng tự hào khi ông nhắc đến những kỷ niệm trong cuộc đời cống hiến trí lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó. Với ông, mỗi lần được vinh dự gặp Bác là một kỷ niệm tự hào, điều đó thôi thúc ông phải nâng cao hơn nữa tinh thần yêu nước, trách nhiệm của người cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Giai đoạn 1976- 1992 thời kỳ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ông Giảng là Trưởng phòng phản gián của Cục trinh sát Bộ tư lệnh biên phòng, trực tiếp chỉ đạo các Đồn biên phòng ở 6 tỉnh biên giới, đấu tranh với bọn phản động và tình báo của địch. Từ 1992- 1999 chuyển sang chỉ đạo ở tuyến biên giới Việt Nam- Lào. Ở cương vị mới, ông đã cùng đồng đội lặng lẽ, bền bỉ, bám nắm địa bàn, theo dõi di biến động của địch, cung cấp nhiều thông tin vô cùng giá trị, giúp cho Đảng và Bộ tư lệnh biên phòng đánh giá, dự đoán đúng những chuyển biến tình hình, đưa ra những chỉ đạo chiến lược kịp thời, làm nên nhiều chiến thắng lớn. Cứ mỗi độ tháng 5 về, cả dân tộc Việt Nam hướng đến kỷ niệm sinh nhật Bác, trong ông lại trào dâng bao cảm xúc.
Không chỉ là Trưởng phòng phản gián của Cục trinh sát Bộ tư lệnh biên phòng, ông Giảng còn được tuyển chọn vào Đội sinh viên, đảng viên ưu tú của Nhà trường tham gia xây dựng lăng Chủ tịch. Ông cùng cả đội thợ hăng say làm những công việc được phân công. 15 ngày cạo rỉ sắt, đánh bóng những cột thép đan thành khối, trên đầu mang một băng đỏ với dòng chữ “ Đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại” và trong tâm luôn nguyện cầu: Bác phù hộ cho mọi người đều được mạnh khỏe, bình an. Mười lăm ngày được tham gia xây dựng lăng Bác với ông là vinh dự được đóng góp công sức bé nhỏ vào công trình đặc biệt quan trọng của Quốc gia.
Hơn 35 năm công tác, ông Nguyễn Tiến Giảng luôn tận tụy và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương trong đó, có Huân chương chiến công hạng Nhất, hạng Nhì; Huân chương bảo vệ Tổ quốc; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba; Kỷ niệm chương “ Vì sự nghiệp tình báo quốc phòng”. Trong suốt chặng đường công tác và cả khi trở về địa phương nghỉ theo chế độ, ông Giảng luôn lấy tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh làm mục tiêu để tiếp tục rèn luyện .
Không phải tự nhiên có danh xưng “ Người lính cụ Hồ”, mà chính những tình cảm cũng như phẩm chất cao đẹp của Bác đã mãi mãi ở trong trái tim những người lính. Dù ở hoàn cảnh nào thì những lời căn dặn của Người lúc sinh thời cũng luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động, việc làm. Họ vẫn luôn nêu cao tinh thần người lính giữa đời thường, là tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ noi theo./.
Thùy Chung