Việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm là xu thế tất yếu, nhằm giảm áp lực tài chính cho ngân sách Nhà nước, đồng thời tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Qua đó, tạo động lực phát huy sự chủ động, sáng tạo trong hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy vậy, để chủ trương này được thực hiện hiệu quả, rất cần cơ chế phù hợp để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh.
Từ năm 2018, Viện Quy hoạch xây dựng Vĩnh Phúc là một trong nhiều đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh được giao thực hiện tự chủ 100%. Tức là đơn vị hoạt động như 1 doanh nghiệp, tự cân đối kinh phí thu-chi để đảm bảo chi trả lương cho viên chức, người lao động và các hoạt động thường xuyên tại đơn vị. Được giao tự chủ, đơn vị đã nỗ lực, chủ động và sáng tạo hơn trong việc đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ cũng bộc lộ nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ để đem lại hiệu quả tốt nhất, như việc thay đổi quy định về phương thức đặt hàng đấu thầu để có thể khai thác hết thế mạnh của đơn vị; cũng như có hướng dẫn trong việc chi trả lương cho cán bộ viên chức tại đơn vị, nhất là khi Nhà nước thực hiện tăng lương cơ bản cho cán bộ viên chức tới đây.
Hiện nay, UBND tỉnh đã giao quyền tự chủ tài chính cho 625 đơn vị, trong đó, khối tỉnh có 125 đơn vị, khối huyện có 500 đơn vị. Mặc dù đã thực hiện tự chủ tài chính, xong việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại một số đơn vị còn chậm, chưa có bước chuyển biến rõ rệt, chưa có tính đột phá… nên việc khai thác các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế.
Để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ, rất cần có hướng dẫn cụ thể để các đơn vị được giao thực hiện tự chủ có thể phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động và khai thác được các nguồn lực từ xã hội, từ đó giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Hà Giang