Lấy cảm hứng từ sơn mài, nhóm De.lac gồm 3 nghệ sĩ trẻ đã cho ra mắt triển lãm đầu tay mang tên "Đối thoại". Các nghệ sĩ trẻ đã thử nghiệm, nâng cấp và ứng dụng nghệ thuật sơn mài Việt nam với đa dạng chất liệu và loại hình nghệ thuật như: Video Art, Sound Art, Sắp Đặt, Tượng in 3D, đồ gốm, gỗ, nhựa, …
Triển lãm "Đối thoại" diễn ra từ ngày 29/6 - 15/7 tại Đình Nam Hương, số 75 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
“Đối thoại” là triển lãm đầu tay của De.lac, nhóm nghệ sĩ thực hành các dự án nghệ thuật lấy cảm hứng từ sơn mài, được thành lập từ năm 2022, gồm 3 thành viên: Trương Hoàng Hải - Họa sĩ, Nguyễn Quang Vũ - Họa sĩ và Nguyễn Đoàn Quang Huy - Nghệ sĩ VFX.
Từ trái sang: Nguyễn Đoàn Quang Huy, Nguyễn Quang Vũ và Trương Hoàng Hải
Cá tính và chuyên môn sáng tác khác biệt, nhưng 3 nghệ sĩ lại tìm thấy sự đồng điệu đến bất ngờ trong nghệ thuật, và tất cả bắt đầu từ sơn mài. Mỗi tác phẩm như một bản ghi chép về những cuộc “Đối thoại” của các tác giả với chính mình và với nhau.
Các nghệ sĩ trẻ đã thử nghiệm, nâng cấp và ứng dụng nghệ thuật sơn mài Việt nam với đa dạng chất liệu và loại hình nghệ thuật như: Video Art, Sound Art, Sắp Đặt, Tượng in 3D, đồ gốm, gỗ, nhựa, …
Trong không gian triển lãm đậm chất Việt của Đình Nam Hương, triển lãm hướng người xem đến với những trải nghiệm nghệ thuật đa giác quan, như một vùng chuyển giao tinh tế giữa những gam màu thân quen thường nhật với những sắc màu mới lạ, sôi nổi.
Nhóm De.lac thể hiện nghệ thuật sơn mài với đa dạng chất liệu và loại hình nghệ thuật
Đến với triển lãm "Đối thoại", khán giả sẽ được thưởng thức các tác phẩm hội họa với những sắc màu và phong cách khác biệt, các tác phẩm in 3D được kết hợp với sơn mài; âm nhạc và các video 3D art,.... Triển lãm cũng là nơi khán giả được trực tiếp khám phá các chất liệu mới được phát triển từ nghệ thuật sơn mài truyền thống do De.lac tự nghiên cứu.
Chia sẻ về tên "Đối thoại" của triển lãm, họa sĩ Nguyễn Quang Vũ cho biết: "Từ thời tiền sử, khi còn sống trong các hang đá, con người sử dụng các hình tượng thông qua các hình vẽ để đối thoại với nhau. Khi phát triển ra các ngôn ngữ và chữ viết, con người đã sử dụng công cụ này để đối thoại với nhau, hiểu nhau hơn. De.lac sử dụng nghệ thuật để đối thoại với nhau, tạo ra những tác phẩm trong triển lãm này, phản ánh tiếng nói chung rằng truyền thống sơn mài còn có thể phát triển xa và rộng hơn nữa nếu có thể kết hợp cùng với công nghệ, song vẫn giữ những giá trị cốt lõi. Từ đó, giúp thế hệ trẻ trong nước cũng như bạn bè quốc tế có cái nhìn mới mẻ về nghề truyền thống sơn mài tại Việt Nam".
Là người không có nhiều kinh nghiệm về sơn mài, Vũ cảm thấy may mắn khi gặp Hải, một người nghiên cứu về sơn mài. "Sơn mài rất đa ứng dụng, có thể ứng dụng lên nhiều chất liệu khác nhau. Nhóm muốn thổi một làn gió mới vào trong sơn mài. Đó là lý do chúng tôi kết hợp và ứng dụng sơn mài lên rất nhiều chất liệu để tạo ra một thông điệp rằng nghệ sơn mài ở Việt Nam còn có thể phát triển sâu rộng hơn nữa".
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, người thầy luôn đồng hành và hướng dẫn trực tiếp cho các nghệ sĩ trẻ, cho biết, triển lãm này là kết quả của quá trình tham gia rất nhiều dự án trong các ngôi đình, mà mở đầu là dự án “Từ truyền thống đến truyền thống” hay “Đình trong phố” được thực hiện trong suốt 4 năm qua.
Ông Nguyễn Thế Sơn bày tỏ mong muốn, những hoạt động như thế này sẽ góp phần đánh thức những không gian di sản như những ngôi đình, vốn là những ngôi nhà chung của một cộng đồng nhỏ trước kia, bây giờ có thể sẽ dần dần sẽ trở thành những ngôi nhà chung của cộng đồng sáng tạo của những người trẻ, của cộng đồng yêu nghệ thuật yêu di sản.
Theo Mai Trang/VOV.VN
https://vov.vn/van-hoa/trien-lam-doi-thoai-phat-trien-nghe-thuat-son-mai-tai-viet-nam-post1104790.vov