Cập nhật: 10/07/2024 21:35:00
Xem cỡ chữ

Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt trong đó có rác thải nhựa đang là bài toán nan giải trong công tác xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, các cấp, các ngành tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang triển khai nhiều hoạt động, trong đó vai trò chung tay bảo vệ môi trường của Nhân dân đặt lên hàng đầu.

Từ năm 2009, sáng kiến thế giới đã chọn ngày 3/7 hàng năm là Ngày Quốc tế Không dùng túi ni-lông với mục đích khuyến khích người tiêu dùng giảm sử dụng túi ni-lông, thúc đẩy các giải pháp thân thiện với môi trường trên toàn thế giới. Câu hỏi hỏi đặt ra là tại sao lại có Ngày Quốc tế Không dùng túi ni-lông. Những con số sau và sự ảnh hưởng của chất thải nhựa đối với môi trường, chúng ta cần cân nhắc khi sử dụng túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng 1 lần.

Hộp xốp đựng cơm, túi ni-lông đựng thực phẩm, ống hút, cốc nhựa tại các quán nước. Hầu hết chúng chỉ được dùng 1 lần rồi bị vứt bỏ. Các bãi rác khổng lồ, ao hồ, sông suối và cả Đại Dương đâu đâu cũng thấy sự xuất hiện của túi ni-lông và các loại rác thải nhựa tương tự. Theo báo cáo của tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), năm 2023 thế giới có khoảng trên 300 triệu tấn chất thải nhựa; tại Việt Nam có khoảng hơn 2 triệu tấn, xếp thế 17 toàn cầu lượng nhựa đang sử dụng và tại Vĩnh Phúc là hơn 40 nghìn tấn.

Rác thải nhựa thực sự là vấn đề đáng lo ngại bởi chỉ có khoảng 11-12% số lượng chất thải nhựa, túi ni-lông được xử lý, tái chế. Số còn lại được đốt, chôn lấp hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Hãy là công dân có trách nhiệm với môi trường bằng cách từ bổ thói quen sử dụng túi ni-lông. Tái sử dụng các sản phẩm nhựa thay vì vứt bỏ chúng; phân loại rác thải, trong đó có rác thải nhựa theo đúng quy định và mang đến địa điểm thu gom; tăng cường sử dụng các sản phẩm bao gói thân thiện với môi trường.

Tại Vĩnh Phúc, trong những năm qua, ngành Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền vận động Nhân dân hạn chế sử dụng túi ni-long và sản phẩm làm bằng nhựa dùng 1 lần. Đây là giải pháp nhằm chung tay bảo vệ môi trường, góp phần giảm tải gánh nặng chi phí trong công tác xử lý và những ảnh hưởng đến môi trường từ rác thải nhựa.

Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, có ý nghĩa quan trọng nhằm từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, giải quyết những vấn đề bức xúc do rác thải gây ra tại các địa phương. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai thực hiện, vẫn còn nhiều nhiệm vụ và mục tiêu trong Đề án không đảm bảo tiến độ đề ra, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị để giải quyết hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Mục tiêu của Đề án, đến năm 2025 toàn tỉnh hình thành 4 cơ sở xử lý rác thải tập trung tại các huyện Tam Dương, Lập Thạch, Vĩnh Tường và Yên Lạc với tổng công suất khoảng 1.390 tấn/ngày. Tuy nhiên, tiến độ triển khai xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tập trung còn chậm, hiện mới xây dựng được 2 nhà máy với công suất 195 tấn/ngày (đạt 14% về công suất đề ra đến năm 2025). Trong đó, nhà máy xử lý rác thải ở thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương có công suất 150 tấn/ngày đang phải dừng hoạt động do không đảm bảo các điều kiện theo quy quy định.

Do Nhà máy xử lý rác thải Tam Dương đã tạm dừng hoạt động, không tiếp nhận xử lý rác, thị trấn Hợp Hòa cũng không có bãi tập kết, trung chuyển rác, nên rác được đổ tạm ngay trên đường giao thông. Không những vậy, rác còn tràn ra điểm giao cắt với tuyến đường tránh của thị trấn. Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và cuộc sống của người dân.

Tại xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, bãi tập kết rác thải sinh hoạt của địa phương cũng thường xuyên quá tải và diễn ra tình trạng ùn ứ rác. Vì vậy, rác tràn ra các tuyến đường xung quanh, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.

Huyện Tam Dương có 13 xã, thị trấn với dân số khoảng 120 nghìn người, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 100 tấn/ngày. Việc Nhà máy xử lý rác thải Tam Dương, tại thị trấn Hợp Hòa có công suất là 150 tấn/ngày, đêm, đang bị đình chỉ hoạt động đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Hiện nay, một số xã, thị trấn đã chủ động phối hợp với các đơn vị để thu gom vận chuyển rác thải đi nơi khác xử lý, nhưng kinh phí cho việc này là rất lớn. Về lâu dài, các địa phương mong muốn các cấp, ngành chức năng sớm có giải pháp để giải quyết vấn đề xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường.

Lỗ Hiếu