Cập nhật: 17/07/2024 09:00:00
Xem cỡ chữ

Việc số hóa các dịch vụ ngân hàng hứa hẹn sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động và mang đến nhiều tiện lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này cũng mang đến những thách thức đáng kể về bảo mật, đặc biệt là các cuộc tấn công lừa đảo khai thác vào các lỗ hổng trong hệ thống ngân hàng số, dẫn đến tổn thất tài chính và suy giảm niềm tin khách hàng.

Sự trỗi dậy của thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Không thể phủ nhận, Việt Nam đang tiến nhanh đến thời đại của nền kinh tế không tiền mặt nhờ dân số trẻ, am hiểu công nghệ, sự phổ biến của điện thoại thông minh và sự đầu tư mạnh mẽ của chính phủ vào cơ sở hạ tầng và chương trình thanh toán điện tử. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 1/2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh 63,3% về lượng và 41,45% về giá trị so với năm trước. Internet và mobile banking là động lực thúc đẩy sự thay đổi này, với hơn 90% giao dịch hiện đang diễn ra trên nền tảng số.

Sự trỗi dậy của thanh toán số cho thấy người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng trải nghiệm kỹ thuật số trong thanh toán. Với việc người dân tích cực đón nhận công nghệ mới và Chính phủ đầu tư mạnh vào hạ tầng thanh toán không tiền mặt, dự kiến các phương thức thanh toán số sẽ còn bùng nổ hơn nữa trong những năm tới.

thuc day thanh toan khong tien mat tai viet nam bang cong nghe tien tien hinh anh 1

Xu hướng thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến tại Việt Nam

Để duy trì đà tăng trưởng tích cực này, có một số yếu tố mà Việt Nam cần chú trọng.

Yếu tố đầu tiên là nâng cao hiểu biết của người dân về tài chính, bao gồm những lợi ích của thanh toán điện tử, hay cách sử dụng an toàn và hiệu quả. Các thông tin cần đảm bảo tiếp cận được tới tất cả các nhóm đối tượng, bao gồm cả những hộ gia đình thu nhập thấp và người dân vùng sâu vùng xa, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Yếu tố thứ hai là tăng cường khả năng tiếp cận các phương thức thanh toán điện tử, để gia tăng quy mô ứng dụng thanh toán điện tử. Để làm được điều này, cần mở rộng mạng lưới các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán số, đồng thời khuyến khích cạnh tranh để mang đến các dịch vụ chất lượng tốt hơn và chi phí hợp lý hơn.

Cuối cùng, những quan ngại về tính bảo mật vẫn là một thách thức lớn trong ứng dụng thanh toán điện tử. Để giải quyết vấn đề này cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan. Các ngân hàng, đơn vị kinh doanh và đối tác cần hợp tác để xây dựng một hệ sinh thái thanh toán số liền mạch và có tính tương tác cao, giúp giải quyết những thách thức hiện tại trong lĩnh vực thanh toán.

Mastercard cam kết cùng Việt Nam xây dựng xã hội không tiền mặt toàn diện

Cam kết thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam, Mastercard đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác và sáng kiến hợp tác chiến lược. Thông qua việc hợp tác với các cơ quan chính phủ, ngân hàng và công ty công nghệ tài chính (Fintech), Mastercard đang kiến tạo một nền tảng thanh toán năng động, an toàn và dễ tiếp cận. Nổi bật trong số đó, Mastercard đã phối hợp với OneFin Việt Nam và VPBank ra mắt hệ thống thanh toán một chạm  cho phương tiện giao thông công cộng, triển khai thí điểm trên hệ thống 71 xe buýt và xe điện. Hệ thống này ứng dụng công nghệ thanh toán mới của OneFin, kết hợp giải pháp thanh toán Open-Loop của MasterCard và cổng thanh toán trực tuyến của VPBank, . Với cách thức thanh toàn này, từ nay, người dân TP. HCM đã có thể thanh toán xuyên suốt từ giao thông – trường học – mua sắm – tiêu dùng hay mọi dịch vụ mua sắm khác chỉ với 1 chiếc thẻ ngân hàng gắn chip duy nhất.

Không chỉ thanh toán không tiền mặt trên xe buýt, Mastercard còn thúc đẩy thanh toán số trên phương tiện công cộng thông qua hợp tác chiến lược cùng Công ty TNHH Đường sắt Đô thị số 1 TP. Hồ Chí Minh (HURC 1). Quan hệ hợp tác này mang hệ thống thanh toán không tiền mặt tiên tiến đến với Tuyến Đường sắt Đô thị số 1 của thành phố, giúp nâng cao hiệu quả và sự tiện lợi của giao thông công cộng, góp phần xây dựng một cơ sở hạ tầng đô thị thông minh hơn.

thuc day thanh toan khong tien mat tai viet nam bang cong nghe tien tien hinh anh 2

HURC 1 và Mastercard công bố hợp tác về giao thông công cộng

Ngoài lĩnh vực giao thông công cộng, Mastercard còn tích cực thúc đẩy thanh toán không tiền mặt vào mọi lĩnh vực mua sắm – tiêu dùng trên khắp Việt Nam. Phối hợp với NAPAS và Payoo, Mastercard đã triển khai các chương trình khuyến mãi hấp dẫn cho chủ thẻ công nghệ không tiếp xúc đến hết năm nay. Chương trình không chỉ khuyến khích áp dụng rộng rãi các phương thức thanh toán kỹ thuật số mà còn thúc đẩy tài chính toàn diện trên khắp Việt Nam.

Với sự phát triển nhanh chóng của thanh toán số, việc bảo vệ và tăng cường bảo mật cho tất cả các bên liên quan là rất quan trọng. Không chỉ thúc đẩy thanh toán số trên diện rộng, Mastercard còn tập trung đầu tư và phát triển các giải pháp công nghệ nhằm đảm bảo an toàn và bảo mật cho các giao dịch của chủ thẻ.

Chia sẻ về các giải pháp bảo mật thanh toán tại hội thảo "Nâng cao an toàn và bảo mật trong thanh toán không dùng tiền mặt" trong khuôn khổ Ngày không tiền mặt 2024, bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Lào và Campuchia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức người dùng về bảo mật trong thanh toán số. Đối với thẻ vật lý, Mastercard đã giới thiệu "thẻ không số" (thẻ được thiết kế không có số thẻ), cho phép người dùng quản lý trạng thái thẻ của mình trong khi vẫn bảo vệ thông tin của họ. Đối với thẻ kỹ thuật số, họ sử dụng mã hóa để bảo mật thông tin thẻ, chỉ được chia sẻ giữa người dùng và nhà cung cấp dịch vụ.

Là đối tác uy tín trong việc đảm bảo an toàn và bảo mật cho thanh toán không dùng tiền mặt, Mastercard luôn tận dụng kiến thức toàn cầu, chuyên môn công nghệ và các nguồn lực của mình để bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng, qua đó sẵn sàng cùng Việt Nam hướng đến nền kinh tế không tiền mặt trong tương lai một cách an toàn và đáng tin cậy.

Theo CTV Thu Hằng/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/thuc-day-thanh-toan-khong-tien-mat-tai-viet-nam-bang-cong-nghe-tien-tien-post1108235.vov