Hát Xoan là một nét văn hóa độc đáo của người dân bên dòng sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Những câu ca, bài hát “mừng vua”, “mừng đình- mừng dân” của làn điệu Xoan cổ được lưu giữ bởi biết bao thế hệ dân làng Hoàng Thượng, xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường.
Hát Xoan còn có tên gọi khác là hát Đúm, hát Thờ, hát Cửa đình. Các làn điệu Xoan đều bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Gốc của hát Xoan ở vùng Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng thuộc hai tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Qua khảo sát, Vĩnh Phúc có 3 xã có nguồn gốc về hát Xoan. Trong đó làng Hoàng Thượng, xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường là một trong những ngôi làng còn giữ được di sản văn hóa độc đáo này.
Vào dịp Tết Nguyên đán hoặc lễ hội làng, các Đào, Kép trong làng lại múa hát Xoan trước đình, chùa để thờ Thánh, lễ Phật, cầu chúc cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Trong hát Xoan lời ca kết hợp với động tác tái hiện cuộc sống hàng ngày của người dân lao động như: Mó cá, thờ vua, gẹo đào…
Với giai điệu mộc mạc, tiết tấu đơn giản, giọng hát gần gũi với giọng nói được thể hiện dưới dạng thơ lục bát. Nhạc cụ trong hát Xoan rất đơn giản, chỉ dùng một chiếc trống nhỏ, hai mặt bịt da và đôi ba cặp phách tre. Trong khi hát còn có các điệu múa kết hợp cùng với việc sử dụng các đạo cụ như: Quạt, phách tre, nậm rượu… Hát xoan luôn phải trình diễn theo một lề lối, quy trình nhất định. Dù tuổi đã cao, các thành viên CLB hát Xoan thôn Hoàng Thượng vẫn say sưa luyện tập để bảo tồn làn điệu dân ca hát Xoan cổ truyền của dân tộc.
Năm 2012, những người đam mê hát Xoan ở Hoàng Thượng đã cùng nhau tập hợp và sinh hoạt trong Tổ hát Xoan của thôn. Năm 2020, UBND xã Kim Xá ra quyết định thành lập CLB hát Xoan thôn Hoàng Thượng gồm 25 thành viên. Họ là những người có niềm đam mê với làn điệu truyền thống của quê hương mình.
Hiện nay, ở thôn Hoàng Thượng chỉ còn hơn 20 đào nữ, đều từ 60 đến 85 tuổi và còn duy nhất một kép nam là ông Đầu Đức Đố. Những thế hệ trẻ trong làng ít ai biết được về làn điệu cổ từng rất nổi tiếng tại chính quê hương của mình.
Đứng trước nguy cơ hát Xoan đang dần bị mai một, việc bảo tồn di sản này là việc hết sức cần thiết và cấp bách. Câu hỏi được đặt ra không chỉ với những người hát xoan, chính quyền địa phương mà còn với cả những người yêu mến làn điệu cổ này. Bà Trần Thị Thanh Khu, Chủ nhiệm CLB có bố là Kép nổi tiếng của phường Xoan Sậu là tên gọi của làng Hoàng Thượng ngày nay. Ngay từ nhỏ, bà đã được bố truyền dạy cho nhiều bài hát Xoan. Những ca từ, giai điệu mượt mà, sâu lắng của những bài hát Xoan cứ thế đi theo bà trong suốt những năm tháng cuộc đời.
Trải qua những năm tháng chiến tranh, hát Xoan ở Kim Xá được ít người quan tâm và biết đến. Bà Khu cùng những người đam mê hát Xoan trong làng đã tìm đến nhà những cụ đào, kép am hiểu sâu về nghệ thuật hát Xoan xin truyền dạy lại kỹ thuật, lối hát các bài Xoan cổ. Và để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, hàng ngày bà đã và đang truyền dạy tình yêu với làn điệu này cho con cháu của mình, cũng như các thế hệ trẻ trong làng.
Để bảo tồn làn điệu dân ca truyền thống này, những năm gần đây, các thành viên CLB hát xoan thôn Hoàng Thượng còn nhận được sự đồng hành, ủng hộ của các cấp các ngành, các tổ chức đoàn thể trong mỗi hoạt động thường niên, qua đó tiếp tục giữ gìn và phát huy làn điệu hát Xoan. Bên cạnh đó, để đưa nghệ thuật hát Xoan đến gần hơn với Nhân dân, trường tiểu học Kim Xá sẵn sàng đưa làn điệu này vào trong chương trình giảng dạy của nhà trường.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hát Xoan ngày nay chủ yếu được sử dụng thường xuyên nhất trong những ngày hội đình, hội chùa vì vậy đa số các thế hệ trẻ của Kim Xá đều chưa biết đến làn điệu này. Một buổi học đầy bất ngờ giữa các thành viên CLB hát Xoan và một số em học sinh ở trường, đã đem lại cho các em học sinh nơi đây rất nhiều cảm xúc của “lần đầu tiên”
Đứng trước nguy cơ hát Xoan đang dần bị mai một việc bảo tồn di sản này là việc hết sức cần thiết và cấp bách. Câu hỏi được đặt ra không chỉ với những người biết hát xoan, chính quyền địa phương mà còn với cả những người yêu mến làn điệu cổ này.
Những giọng hát trong trẻo, những câu Xoan được các em học sinh cất lên sau một buổi trải nghiệm bất ngờ trường tiểu học Kim Xá sẽ là những tín hiệu vui, đem hát Xoan đến gần hơn với thế hệ trẻ. Chúng tôi cho rằng đây cũng là phương pháp hiệu quả nhất để góp phần tuyên truyền, quảng bá và giữ gìn, bảo tồn di sản hát Xoan.
Bên cạnh đó, để hát xoan không chỉ là di sản văn hóa mà còn là sản phẩm du lịch đặc sắc thì vấn đề chung tay góp sức giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp du lịch cần được phối hợp chặt chẽ. Đây có lẽ sẽ là một hướng đi bền vững cho tất cả các loại hình văn hóa truyền thống cần được bảo tồn và phát triển. Hy vọng rằng trong tương lai gần Hát Xoan Kim Xá sẽ được bổ sung trong lịch trình khám phá di sản văn hóa vùng đất này gắn với di sản hát Trống Quân, hát Sọng Cô và tham quan những đình, đền cổ, đây có thể là sản phẩm du lịch rất phù hợp với những du khách thích khám phá, trải nghiệm làng quê.
Thùy Chung