Cập nhật: 25/09/2024 08:51:00
Xem cỡ chữ

 Việt Nam có tiềm năng rất lớn về đường sông nhưng cách thức tổ chức, hệ thống đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn chế nên cần phải có kế hoạch và chiến lược cụ thể để phát triển loại hình du lịch đường sông.

Du khách trải nghiệm du lịch sông Hồng. (Ảnh: Linh Tâm)

Du khách trải nghiệm du lịch sông Hồng. (Ảnh: Linh Tâm)

Đây là vấn đề được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo “Phát triển du lịch đường sông ở Việt Nam: Định hướng và giải pháp” do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch vừa tổ chức tại Hà Nội.

Hơn 2.360 con sông lớn, nhỏ với những thăng trầm lịch sử

Việt Nam có mạng lưới sông ngòi phong phú, trải dài từ miền Bắc đến miền Nam, tạo nên những tuyến du lịch đường sông đa dạng và độc đáo. Hơn 2.360 con sông lớn, nhỏ với tổng chiều dài khoảng 41.900km là thực tế cho thấy Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đường sông.

Theo PGS. TS Bùi Thanh Thủy - Trưởng Khoa Du lịch (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), tài nguyên sông nước của Việt Nam gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, cần được nhìn nhận, đánh giá để khai thác đúng hướng, phục vụ cho phát triển kinh tế và du lịch. Theo đó, Việt Nam được gọi là một quốc gia của sông nước và có rất nhiều địa phương nằm trong vùng sông nước.

Ngoài ra, chúng ta có rất nhiều dòng sông gắn với các câu chuyện lịch sử, sản sinh ra những giá trị văn hóa của nhiều cộng đồng dân cư sống ven sông. Chúng ta cũng đã biết, dòng sông là một trong những con đường giao thương huyết mạch của người Việt Nam trong suốt nhiều triều đại lịch sử nên còn bảo lưu rất nhiều dấu tích của lịch sử Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, hiện nay, du lịch đường sông đã nổi lên như một trong các loại hình du lịch quan trọng của ngành du lịch toàn cầu, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, làm phong phú thêm các loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm đến du lịch lịch sử và văn hóa thông qua trải nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên, hệ sinh thái và hệ thống di sản văn hóa ven sông.

Việc phát triển du lịch đường sông góp phần thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, như cảng du lịch, bến tàu và các khu vực xung quanh. Bên cạnh những đóng góp về kinh tế và văn hóa, bằng cách thúc đẩy các hoạt động du lịch có trách nhiệm, du lịch đường sông có thể góp phần bảo tồn các hệ sinh thái quan trọng dưới nước và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Giải “bài toán” chưa thu hút du khách

Tại Hội thảo “Phát triển du lịch đường sông ở Việt Nam - Định hướng và giải pháp” các đại biểu đã cho thấy có nhiều vấn đề đặt ra đối với việc phát triển du lịch đường sông ở Việt Nam hiện nay, từ các vấn đề về lý luận đến thực tiễn còn tồn tại. Mặc dù có thế mạnh rất lớn nhưng đến nay, du lịch đường sông ở Việt Nam được đánh giá là phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện chưa có nhiều tour du lịch đường sông được khai thác và nhiều tour hiện có rất ít khách du lịch, thậm chí có thể phải dừng khai thác.

Một số nguyên nhân chính cản trở sự phát triển du lịch đường sông có thể được nhận định là: Hạ tầng giao thông đường thủy còn yếu kém; Hạ tầng du lịch còn nhiều hạn chế; Vấn đề ô nhiễm môi trường; Chưa có chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch đường sông một cách đồng bộ; Thiếu sự liên kết giữa các địa phương trong phát triển du lịch đường sông và công tác xúc tiến, quảng bá và xây dựng thương hiệu còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn các giá trị tài nguyên du lịch còn nhiều bất cập, nhiều khu vực sông nước có giá trị văn hóa, lịch sử và sinh thái nhưng chưa được bảo tồn và quản lý đúng mức.

Việc khai thác quá mức các tài nguyên du lịch mà không chú trọng đến bảo vệ môi trường đã dẫn đến tình trạng suy thoái tài nguyên, ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển bền vững. Trước những khó khăn, bất cập còn tồn tại, theo Tiến sĩ Lê Văn Minh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt, cần phải có ngay giải pháp khắc phục những vấn đề này: “Điểm nghẽn đầu tiên là chúng ta phải có hoạch định, chiến lược, qui hoạch để xác định tuyến đường sông nào chúng ta khai thác được.

Việc thứ hai là chúng ta phải đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng, các bến bãi vì nếu thiếu hạ tầng này thì chắc chắn là không phát triển được, gây khó khăn cho khách du lịch cũng như các nhà đầu tư kinh doanh đi vào khai thác đường sông. Đấy là hai vấn đề rất quan trọng”.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch nhận định: “Hiện nay rất cần có một đề án phát triển tổng thể du lịch đường sông có thể gọi rộng hơn nữa là du lịch thủy nội địa bao gồm sông, hồ, biển trong khu vực nội địa, để mà thúc đẩy, khai thác được những tiềm năng, lợi thế lớn của loại hình này. Cấp thiết phải có một đề án. Trên cơ sở đề án đấy sẽ đề xuất những cơ chế, chính sách với Chính phủ và các Bộ, ngành để tạo nên một cơ chế, chính sách đồng bộ cho loại hình này”.

Theo baophapluat.vn

https://baophapluat.vn/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-duong-song-tai-viet-nam-post526156.html