Nắm được xu thế hội nhập, trong thời gian qua, nông dân Vĩnh Phúc đã mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất bền vững, hiệu quả, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Xác định phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong ba phong trào thi đua lớn, trọng tâm do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Những năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, khuyến khích, động viên hội viên, nông dân đổi mới tư duy, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai đầu tư cho sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Thông qua phong trào, nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã phát triển thành doanh nghiệp, hợp tác xã, công ty tư nhân trong sản xuất nông nghiệp và kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động nông thôn.
Năm 2024, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng Hội vững mạnh. Đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững. Đổi mới công tác tư vấn, hỗ trợ nông dân theo hướng phát triển các loại hình đối tượng sản xuất, kinh doanh gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học hiện đại. Vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường.
Điển hình như anh Nguyễn Tiến Lộc, Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi và Chế biến sữa Vĩnh Thịnh xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường là 1 trong số những nông dân thời đại 4.0 đang từng bước thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp. Cách làm mới của những người như anh đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, từng bước đáp ứng yêu cầu khắt khe của cơ chế thị trường. Ðây được xem là “chìa khóa” để mở cánh cửa thành công trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hiện đại hóa nền nông nghiệp tỉnh nhà.
Trong thời kỳ hội nhập, yếu tố cơ bản để nông sản có sức cạnh tranh là sản phẩm phải sạch, ngon, số lượng lớn, giá rẻ và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã và đang mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và đảm bảo đầu ra.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ nông dân đăng ký thương hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nông dân; vận động nông dân liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm chất lượng, đồng thời phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất thực phẩm sạch nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và có sức cạnh tranh trên thị trường.
Thu Thủy