Ngày nay, cùng với những thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thì tên làng được lưu giữ lại ở những làng quê Việt đã tạo nên nét riêng mang dáng dấp của một ngôi làng lưu dấu trong tâm khảm mỗi người. Những tên gọi của làng thường hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa nhân văn sâu xa, mang cả ước vọng khát khao của cha ông một thuở lập làng với sự bình an, ấm no đầy đủ. Vì thế, danh xưng những tên làng cứ lưu mãi qua từng thế hệ.
Đình Chu - Miền đất di sản
Xã Đình Chu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 1964. Trải qua rất nhiều lần chia tách và sát nhập, cái tên Đình Chu được ra đời gắn với rất nhiều ý nghĩa lịch sử của người dân nơi đây. Hiện nay, Đình Chu được coi là một vùng đất vừa cổ kính và hiện đại với 3 danh hiệu Di sản Văn hoá Quốc gia được Nhà nước xếp hạng là: Đình, Đền và hàng cây Đại cổ hơn 400 tuổi đứng tháp tùng quanh ngôi Đền Đình Chu. Với kiến trúc độc đáo vẫn còn được lưu giữ và bảo tồn mang những nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ. Tự hào về quê hương giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương đã luôn quan tâm gìn giữ và phát huy các giá trị của các di tích.
Có lẽ sẽ không tìm được địa phương nào có không gian văn hóa tín ngưỡng và bộ máy hành chính lại có chung một khuân viên như ở Đình Chu. Không chỉ trong thời kỳ phong kiến, đến khi xây dựng Chủ nghĩa xã hội và cho đến ngày nay thì những dấu tích của HTX nông nghiệp Đình Chu hay dãy nhà cấp 4 của Đảng ủy, UBND xã Đình Chu vẫn song hành cùng với ngôi Đình làng xưa cũ. Cũng có lẽ bởi vậy nên ngôi Đình mới được gọi với cái tên Đình Đình Chu. Đây là ngôi Đình Được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1996, Đình Đình Chu được coi là “báu vật” của Vĩnh Phúc nói riêng và Bắc Bộ nói chung. Bởi lẽ, nơi đây còn lưu giữ những nét kiến trúc đậm chất của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Đình Đình Chu là nơi thờ vọng Đột Ngột Cao Sơn, Cổ Việt Hùng Thị, Thập Bát Thế Thánh Vương và các đạo sắc phong năm Minh Mệnh thứ 2 có ghi “Phụng sự Thánh Tổ Hùng Vương”. Đình được khởi công xây dựng năm Gia Long thứ 2 (1803) và trùng tu vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Đây được coi là ngôi đình bề thế, còn gìn giữ được lối kiến trúc độc đáo của vùng đất Bắc Bộ với trụ cột, kèo, xà ngang xà dọc… đều được chế tác bằng gỗ nguyên khối và trạm trổ công phu. Tại gian thờ chính trong đình có bức hoành phi đời Nguyễn với 4 đại tự “NAM THIÊN TRIỆU THỦY” nghĩa là “Khởi dựng trời Nam” được sơn son thếp vàng chế tác năm Bảo Đại - Nhâm Ngọ (1942). Nghệ thuật điêu khắc của đình là sự kết hợp của nghệ thuật đời Lê -Nguyễn, cũng bởi đình được những năm đầu tiên của đời Nguyễn nên còn chịu nhiều ảnh hưởng của những nét độc đáo tinh xảo của điêu khắc thời Lê. Hiện Đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị.
Bên cạnh đó, tại xã Đình Chu còn có một ngôi đền nồi tiếng, là một di tích tiêu biểu trong hệ thống các di tích thờ Hùng Vương và dòng dõi. Người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau cái tến gọi là Miếu làng từ đời này sang đời khác. Đền Đình Chu thuộc thôn Trung Kiên, xã Đình Chu, huyện Lập Thạch. Năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763), cùng với làng Thượng Đạt, làng Đình Chu (khi đó có tên là Mễ Đề) là hai làng duy nhất của huyện Lập Thạch được ghi vào Tự điển “Bộ Lễ” triều Lê thống kê những địa danh thờ Hùng Vương.
Những di sản còn được lưu giữ lại trên địa bàn xã đã góp phần củng cố thêm sự gắn kết trong cộng đồng làng xã nơi đây. Mỗi người dân nơi đây ở thời kỳ nào cũng đều đoàn kết, cùng nhau xây dựng và bảo vệ quê hương. Đến thôn Trung Kiên những ngày này để thấy sự thay da đổi thịt của một miền quê. Thôn dân cư kiểu mẫu với những con đường sáng, xanh, sạch đẹp khiến cho những người con xa quê luôn muốn trở về.
Mây lớn biến đổi không cương giới
Đình cao dáng đẹp hội xuân về!
Những không gian tín ngưỡng tôn giáo được bảo tồn, những cái tên làng, tên xã gắn với lịch sử hình thành cũng như khát vọng của người dân địa phương đã góp phần tạo nên một vùng văn hóa độc đáo.
Cùng với tiến trình phát triển của lịch sử, có lẽ một ngày không xa sắp tới địa danh xã Đình Chu sẽ có những điều chỉnh theo chủ trương sáp nhập xã, phường, thị trấn của cả nước và cái tên Đình Chu có thể không còn nữa. Nhưng những di tích lịch sử- văn hóa trên địa bàn xã Đình Chu vẫn còn đó, và cụm Đình - Đền, hay hàng câu đại cổ thụ đều là những di tích tiêu biểu vô cùng giá trị của huyện Lập Thạch nói riêng, của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung. Việc bảo vệ và phát huy giá trị của những di tích đó là rất cần thiết, được đặt ra với các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân địa phương, nhằm bảo đảm tính bền vững của di tích, phát huy sức sống của di sản trong cộng đồng, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho các thế hệ trẻ hiện tại và trong tương lai.
Thùy Chung