Cập nhật: 20/04/2025 19:55:00
Xem cỡ chữ

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, việc thực hiện quy chế dân chủ từ cấp cơ sở đã trở thành nhiệm vụ được các địa phương quan tâm. Mỗi công việc, phần việc qua cách làm, phương pháp để gắn kết người dân, tạo sự đồng thuận cùng xây dựng nông thôn cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đạt hiệu quả.

Xác định việc thực hiện quy chế dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực nhằm huy động sức mạnh của người dân đối với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, các cấp Đảng ủy, chính quyền đến thôn, tổ dân phố tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Gắn thực hiện quy chế dân chủ với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, các phong trào thi đua, công trình, dự án đầu tư thủ tục hành chính để cán bộ, nhân dân biết.

Đồng thời, mỗi cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành đúng nhiệm vụ, chức trách chủ động trao đổi, hướng dẫn người dân về thủ tục hành chính, an ninh trật tự; tham gia cùng người dân đóng góp công sức, tiền của xây dựng các tuyến đường sáng - xanh- sạch - đẹp, giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa. Trên cơ sở nắm bắt thông tin, người dân tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến khi thực hiện nhiều công việc quan trọng liên quan đến lợi ích thiết thực của mình.

Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh với Nhân dân ngày càng được củng cố, tăng cường. Qua đó, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng nông thôn từng ngày đổi mới, đô thị văn minh hiện đại, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng phát triển.

Tiến Trang