Tỉnh Vĩnh Phúc luôn nhất quán quan điểm lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực; lấy người dân là chủ thể, là trung tâm và người dân cũng chính là đối tượng được hưởng lợi từ thành quả xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Đau đáu với câu hỏi: Làm sao để cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết vào cuộc sống? Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã trực tiếp xuống với dân, bám sát cơ sở, khảo sát từng thôn, làng, khu dân cư để chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là chủ trương lớn của tỉnh Vĩnh Phúc nhằm hiện thực hóa nội dung Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVII về xây dựng và phát triển văn hóa trong thời đại mới. Bất kể là ngày hay đêm, nhiều cuộc họp liên tiếp được diễn ra nhằm phát huy dân chủ, lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân về mô hình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Từ đó, Nhân dân hồ hởi, phấn khởi vì được biết, được bàn, được xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ngay tại chính nơi mình đang sống.
Thời gian qua, việc triển khai xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Phong trào xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở các địa phương ngày càng diễn ra sôi nổi, lan tỏa mạnh mẽ, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân. Đến nay, chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở các địa phương bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Huyện Tam Đảo là một trong những địa phương có số xã xây dựng thí điểm Làng văn hóa kiểu mẫu nhiều nhất tỉnh. Khối lượng công việc nhiều, nhiệm vụ cũng trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Bắt tay vào triển khai xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, huyện Tam Đảo đã xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết số 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kế hoạch thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh; xin ý kiến thỏa thuận địa điểm, tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình xây dựng; quy trình thủ tục chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng; tuyên truyền, vận động và hướng dẫn chính quyền, người dân các địa phương thực hiện bộ tiêu chí, các cơ chế chính sách; quy hoạch chung, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; rà soát, đăng ký các mô hình sản xuất và khảo sát tự đánh giá đáp ứng tiêu chí tại các làng.
Trong quá trình thực hiện, các đồng chí trong ban chỉ đạo huyện, tổ giúp việc thường xuyên kiểm tra trực tiếp tiến độ thực hiện, việc thực hiện các cơ chế chính sách và phối hợp với các sở, ngành rà soát thực tế; lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân để có giải pháp, lộ trình thực hiện cụ thể, đảm bảo Nghị quyết đi vào cuộc sống, xây dựng các Làng văn hóa kiểu mẫu thành nơi đáng sống.
Chương trình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại huyện Bình Xuyên cũng nhận được sự chung sức, đồng lòng của toàn thể Nhân dân. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, kêu gọi được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của toàn dân trong thực hiện 14 tiêu chí Làng văn hóa kiểu mẫu theo Nghị quyết số 08/2023 của HĐND tỉnh.
Huyện Lập Thạch đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đạt mục tiêu đến hết năm 2025 có tối thiểu từ 9 làng trở lên được xây dựng cơ bản đạt các tiêu chí của Làng văn hóa kiểu mẫu. Theo đó, năm 2023, huyện Lập Thạch xây dựng 3 Làng văn hóa kiểu mẫu tại các xã: Đồng Ích, Vân Trục và Quang Sơn. Đến năm 2025, huyện tiếp tục triển khai xây dựng từ 3 đến 6 làng văn hóa kiểu mẫu tại các xã: Sơn Đông, Bắc Bình, Tiên Lữ, Triệu Đề, Bàn Giản và thị trấn Lập Thạch.
Thành công từ sự chung sức, đồng lòng
Từ nguồn vốn ngân sách 15 tỷ đồng, tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu Thụ Ích, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc. Trong khuôn viên rộng 1,5 ha, hệ thống các thiết chế văn hóa - thể thao đang hiện hữu sinh động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cũng như thể chất của người dân. Đây cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh về đích sớm trong xây dựng thiết chế văn hóa thể thao kiểu mẫu.
Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là chính sách đột phá, chưa có tiền lệ đã được tỉnh Vĩnh Phúc triển khai bài bản, đồng bộ, với những cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đến công tác an sinh xã hội, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu cũng chính là xây dựng những miền quê không chỉ ấm no về vật chất mà còn giữ gìn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc, giữ làng, giữ nước từ cơ sở.
Điều dễ nhận thấy, kể từ khi triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với triển khai xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, khung cảnh làng quê trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thay đổi với những ngôi nhà cao tầng san sát, các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Sự no ấm và bình yên đang hiện hữu trong từng thôn, từng xóm tạo nên diện mạo mới, khí thế mới ở các vùng quê đáng sống.
Trên dọc các tuyến đường, những hàng cây xanh đua nhau khoe sắc thắm. Những con đường liên thôn, liên xóm được bê tông hóa và đều được lắp điện chiếu sáng. Một cuộc sống ấm no, hạnh phúc được hình thành từ những quyết sách được chỉ đạo quyết liệt để mang đến chất lượng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại Vĩnh Phúc đã và đang thực sự là điểm nhấn về kinh tế, văn hóa của các địa phương. Thành công bước đầu trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đã thêm một lần nữa khẳng định: khi ý Đảng, lòng dân hòa làm một thì nhất định sẽ đại thành công.
Thu Thủy