Trong những năm qua, cùng với phụ nữ CAND, phụ nữ Công an tỉnh đã phát huy tinh thần kiên cường của phụ nữ quốc tế, ý chí quật khởi của Hai Bà Trưng anh hùng, luôn sát cánh cùng cán bộ chiến sỹ toàn lực lượng lập nên những chiến công xuất sắc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ Công an tỉnh còn chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động xã hội tình nghĩa, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an Vĩnh Phúc trong lòng Nhân dân.
Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, những năm qua, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã phối hợp, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài lực lượng, tổ chức các hoạt động tình nghĩa trị giá hàng tỉ đồng mỗi năm. Cụ thể, trong năm 2023, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã chỉ đạo tăng cường các hoạt động tình nghĩa, từ thiện; phối hợp, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài lực lượng tổ chức các hoạt động tình nghĩa, an sinh xã hội với tổng giá trị gần 2 tỷ đồng bằng hiện vật và tiền mặt.
Điển hình là tham mưu tổ chức chuỗi các hoạt động tặng quà Tết cho cán bộ chiến sỹ có hoàn cảnh khó khăn và cán bộ Công an hưu trí; ủng hộ và hỗ trợ động viên các hộ nghèo, hộ chính sách, nạn nhân chất độc màu da cam có hoàn cảnh khó khăn;… với kinh phí trên 307 triệu đồng. Phối hợp các nhà hảo tâm trao tặng 383 suất quà trị giá 383 triệu đồng cho 383 phụ nữ, trẻ em nghèo trên địa bàn các xã: Chấn Hưng, Đại Đồng - Vĩnh Tường, Đồng Văn - Yên Lạc, Sơn Đông - Lập Thạch, Đạo Trù - Tam Đảo. Tổ chức Chương trình “Nâng bước em tới trường” trao 40 suất quà cho 40 học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại trường Tiểu học Tứ Yên với tổng kinh phí gần 30 triệu đồng. Tổ chức các hoạt động nhân “Tháng Nhân đạo” năm 2023, ủng hộ, hỗ trợ các trường hợp khó khăn trên địa bàn tỉnh với kinh phí trên 38 triệu đồng. Phát động cán bộ, hội viên hưởng ứng, ủng hộ Chương trình “Vì phụ nữ biên cương”. Phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, thăm và tặng 185 suất quà cho phụ nữ nghèo tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang với kinh phí 185 triệu đồng.
Đặc biệt, năm 2023, triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị nhận hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng 65 trẻ em, là đơn vị đứng thứ 2 toàn quốc và thứ nhất trong toàn tỉnh về số lượng trẻ đỡ đầu. Phối hợp Hội Xe đạp Nối vòng tay lớn khu vực miền Bắc trao tặng 65 xe đạp cho các em với kinh phí gần 100 triệu đồng. Hội Phụ nữ Công an tỉnh cũng đã phối hợp với Ban Phụ nữ Công an Nhân dân tổ chức Chương trình “Mẹ đỡ đầu - Yêu thương và chia sẻ”, gặp mặt 75 cặp mẹ con tiêu biểu tại thành phố Phúc Yên. Vận động doanh nghiệp trao 75 suất quà cho các cặp mẹ con với tổng giá trị trên 112 triệu đồng.
Những hoạt động hướng về cộng đồng đã góp phần xây đắp thêm tình cảm quân dân gắn bó, xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sỹ Công an Vĩnh Phúc trong lòng Nhân dân.
Nâng cao nhận thức về Luật Căn cước và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thi hành Luật.
Luật Căn cước được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu, ngày 27-11-2023. Với 7 chương, 46 điều, Luật quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Để Luật Căn cước sớm được triển khai thực hiện, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 175 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước.
Cụ thể, Quyết định số 175 nêu rõ, mục đích của Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước nhằm xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Căn cước, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Căn cước trên phạm vi cả nước. Đồng thời, nâng cao nhận thức về Luật Căn cước và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thi hành Luật.
Để triển khai thi hành Luật Căn cước, các nội dung sẽ được thực hiện như tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về căn cước; tổ chức tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo cơ quan, tổ chức và người trực tiếp làm công tác quản lý căn cước; biên soạn tài liệu phục vụ công tác phổ biến Luật Căn cước và các văn bản hướng dẫn thi hành, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý căn cước; rà soát văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Căn cước; tổ chức triển khai việc kết nối, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Để việc triển khai thi hành Luật Căn cước kịp thời, thống nhất, hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành chức năng đảm bảo điều kiện, phương tiện kỹ thuật để triển khai thu nhận mống mắt; tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, căn cước điện tử và sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp; thu thập, khai thác, sử dụng thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói theo quy định của Luật; mở rộng việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Theo Luật Căn cước 2023, thông tin sinh trắc học là một trong những thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước. Các thông tin sinh trắc học bao gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói. Tại điểm d khoản 1 Điều 16 Luật Căn cước 2023 nêu rõ, thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
Luật Căn cước có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về căn cước, đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và còn có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về chuyển đổi số ở nước ta theo mục tiêu Đề án 06 của Chính phủ đang triển khai thực hiện.
Thúy Hơn