Vĩnh Phúc có nhiều làng nghề truyền thống với rất nhiều sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu ở khu vực miền Bắc và trong cả nước. Đổi mới công nghệ sản xuất, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm và đặc biệt là phát triển sản phẩm gắn với giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất và con người Vĩnh Phúc đang là một hướng đi mới, không chỉ mang đến sức sống mới cho nghề truyền thống mà còn góp phần quảng bá các di sản của Vĩnh Phúc đến bạn bè trong và ngoài nước.
Vĩnh Phúc hiện có 28 làng nghề với 8 nghề truyền thống, trong đó có hàng chục làng nghề mộc truyền thống. Với sự sáng tạo cùng đôi tay tài hoa, các thế hệ người làm nghề đã giữ gìn và phát triển nghề truyền thống từ đời này qua đời khác cho đến ngày nay. Tiếp nối mạch nguồn đó và để góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm của làng nghề mộc truyền thống trong thời kì hội nhập, anh Kiều Đức Thưởng - người sinh ra và lớn lên ở làng nghề mộc truyền thống thôn Thủ Độ, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường đã hình thành ý tưởng và sản xuất bộ sản phẩm Tháp đốt trầm hương gốm gỗ Hải Âu, tái hiện theo mẫu Tháp gốm men Chùa Trò - Bảo Vật Quốc Gia của Vĩnh Phúc và mẫu Tháp Bình Sơn – Di tích Quốc gia Đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật của tỉnh.
Tháp Men Gốm của Chùa Trò và Tháp Bình Sơn là Bảo vật Quốc gia và di tích Đặc biệt cấp Quốc gia của Vĩnh Phúc, thể hiện tinh hoa nghề gốm thủ công mĩ nghệ thời Lý Trần, có giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc và nghệ thuật cao. Đặc biệt, với hình mẫu nguyên gốc Tháp gốm men Chùa Trò, Công ty Hải Âu đã dày công nghiên cứu, thiết kế, phục dựng và sản xuất đầy đủ các chi tiết theo tỉ lệ 1:1, đồng thời sản xuất trên nhiều chất liệu như: gỗ, gốm, sứ, tạo thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo, vừa góp phần quảng bá rộng rãi sản phẩm làng nghề truyền thống, vừa đưa hình ảnh di sản, di tích, nét văn hoá đặc sắc của vùng đất và con người Vĩnh phúc đến bạn bè trong nước cũng như du khách Quốc tế.
Tháp dùng để đốt trầm hương có thể trưng bày ở những nơi trang trọng, trang trí cho đẹp mắt cho không gian nội thất Công sở cũng như nhà ở. Song song với tỉ lệ 1:1, Tháp được sản xuất với nhiều kích thước khác để có thể làm một món quà tặng, đồ lưu niệm ý nghĩa. Bộ sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh. Đặc biệt, năm 2023, bộ sản phẩm Tháp đốt trầm hương gốm gỗ Hải Âu đã được chứng nhận là sản công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và năm 2024 được chứng nhận là sản công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm đến thị trường rộng lớn hơn.
Với sự hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền, sở ban ngành, trong đó có Sở Công Thương, Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất Hải Âu đã bước đầu thành công cả về sản xuất và tiêu thụ. Những năm gần đây, bộ sản phẩm Tháp đốt trầm hương gốm gỗ theo hình mẫu Tháp gốm men Chùa Trò, Tháp Bình Sơn đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chọn làm quà tặng đặc trưng mang tính Biểu tượng của Vĩnh Phúc trong một số sự kiện Văn hóa tiểu biểu và quan trọng của tỉnh như được chọn làm quà tặng Lãnh đạo các Đoàn của các nước Châu Á tại Giải bóng chuyền vô địch các câu lạc bộ Châu Á Cup VTVCab năm 2023 tổ chức tại Nhà thi đấu tỉnh Vĩnh Phúc. Bộ sản phẩm cũng được chọn tham gia Hội nghị xúc tiến Quảng bá Điểm đến Du Lịch Vĩnh Phúc - Điểm đến ấn tượng an toàn được tổ chức năm 2022 tại thành phố Hồ Chí Minh và nhiều triển lãm quan trọng khác trong nước.
Theo đánh giá của doanh nghiệp, các sản phẩm ngành nghề thủ công mĩ nghệ của Vĩnh Phúc nói riêng và Việt Nam nói chung luôn có nhu cầu cao ở thị trường quốc tế. Trong những năm gần đây, mức độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao, bình quân khoảng 10%/năm, có đóng góp không nhỏ vào tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sản phẩm thủ công mĩ nghệ là sản phẩm nội địa hóa có tính bền vững. Đối với khách du lịch, đây là một mặt hàng độc đáo và có giá trị tinh thần. Với việc phục dựng và sản xuất dòng sản phẩm theo nguyên mẫu Bảo vật Quốc gia Tháp gốm men Chùa Trò, Di tích Quốc gia đặc biệt Tháp Bình Sơn, anh Kiều Đức Thưởng và Công ty TNHH xây dựng và sản xuất Hải Âu đã và đang góp phần bảo tồn di tích, di sản văn hoá theo hình thức phục hồi và nhân bản ra nhiều bản mới từ bản gốc bằng những loại nguyên vật liệu tự nhiên khác nhau. Đây cũng là hướng đi mới góp phần tạo sự phát triển của làng nghề truyền thống gắn liền với phát triển du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn những hạn chế, khó khăn trong việc duy trì và phát triển nghề truyền thống cần được các cấp ngành quan tâm nhiều hơn nữa để tháo gỡ và tạo sự phát triển bền vững cho làng nghề cũng như lao động gắn bó với nghề truyền thống của địa phương.
Sự đồng hành của các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng với doanh nghiệp và người dân là nguồn động lực thúc đẩy sự phát triển bứt phá của nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống trong xu hướng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản và phát triển du lịch, đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
Tuyết Minh