Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được cho là có nhiều rủi ro bởi nhiều yếu tố như: cung - cầu không ổn định, sự bất lợi của thời tiết, sâu bệnh, chi phí ban đầu cao… Để hạn chế rủi ro và tạo sự phát triển ổn định, không ít doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đã đổi mới mô hình, xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới để chủ động các điều kiện chăm sóc cây trồng; đồng thời, đa dạng kênh phân phối, liên kết các hình thức tiêu thụ như các mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp… Một số mô hình đã cho hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, việc mở rộng các mô hình cũng còn không ít vướng mắc, khó khăn, rất cần có sự đồng hành, quan tâm hơn nữa của các cấp ngành chức năng.
Mô hình trồng dưa lưới của Công ty TNHH Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Thanh Xuân ở xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc hiện có diện tích 5.000m2 với 12.000 cây. Doanh nghiệp lựa chọn các giống dưa của Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc bởi các giống dưa này có nhiều ưu điểm về chất lượng và khả năng kháng sâu bệnh cao.
Song song với việc nghiên cứu, tìm hiểu các giống dưa có nhiều ưu việt, Công ty TNHH Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Thanh Xuân đã đầu tư khoảng 5 tỉ đồng xây dựng hệ thống nhà lưới, hạn chế tối đa sự xâm nhập nguồn sâu bệnh ở môi trường xung quanh, đồng thời để chủ động kiểm soát các điều kiện chăm sóc cây trồng, giảm những tác động từ thời tiết tự nhiên.
Người lao động tại đây cũng phải tuân thủ các điều kiện khử khuẩn trước khi vào chăm sóc cây trồng. Dưa được trồng theo tiêu chuẩn VIETGAP và hướng hữu cơ nên qui trình chăm sóc cũng như các chế phẩm được sử dụng trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây đều được doanh nghiệp lựa chọn, đảm bảo an toàn cho môi trường lao động và chất lượng nông sản.
Thực hiện nghiêm ngặt các điều kiện trồng và chăm sóc, từ năm 2021, khi sản phẩm mới được đưa ra thị trường, dưa lưới Thanh Xuân đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Sản lượng dưa ước đạt hơn 10 tấn/vụ. Với mức giá hiện tại từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg, mô hình dưa lưới của doanh nghiệp cho doanh thu khoảng 350 triệu đến hơn 400 triệu đồng/vụ, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao so với các giống cây trồng và phương pháp canh tác truyền thống.
Luôn tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị nông sản, nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình và người nông dân cũng là đam mê của những người chủ mô hình trồng nho này. Vườn nho Hanh Xuân của Hợp tác xã Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Xuân Trường tại xã Đức Bác, huyện Sông Lô có tổng diện tích 8.000m2. Vườn hiện trồng hai giống nho là nho Hạ đen và nho Mẫu đơn. Ngay khi hình thành ý tưởng trồng nho ở đồng đất quê hương, những người chủ Hợp tác xã đã định hướng phát triển theo mô hình nông nghiệp trải nghiệm.
Cùng với việc tạo cảnh quan ở mức cho phép trên đất nông nghiệp để du khách khi đến thăm quan, trải nghiệm có thêm dịch vụ tại vườn nho, Hợp tác xã đặt yếu tố chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Hợp tác xã đã nhập khẩu toàn bộ giống nho Mẫu đơn và nhận chuyển giao kĩ thuật trồng, chăm sóc từ những kĩ sư người Hàn Quốc. Song song với đó, Hợp tác xã thực hiện qui trình chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ, xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiêu tự động và cắt tỉa cành, quả theo chu kì phát triển của cây nho, đảm bảo cây cho quả đều, đẹp, chất lượng.
Vườn nho Hanh Xuân là một trong những mô hình đi đầu ở Vĩnh Phúc về trồng nho theo hướng hữu cơ và thực hiện mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp. Hiện tại, vườn nho Hanh Xuân đang cho thu hoạch lứa đầu tiên và đã thu hút đông đảo lượng du khách trong tỉnh cũng như ở các tỉnh thành lân cận: Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang, với lượng khách trung bình dịp cuối tuần từ 700 đến 800 du khách mỗi ngày. Không gian xanh mát và hương vị tươi ngon của nho trồng hữu cơ thưởng thức tại vườn đã tạo nên sức hút của mô hình này.
Vừa là điểm check-in lí tưởng với các bạn trẻ, vườn nho Hanh Xuân vừa đáp ứng nhu cầu của tất cả du khách muốn có trải nghiệm thú vị và sử dụng sản phẩm nông nghiệp an toàn. Không ít gia đình đã lựa chọn đây là điểm đến cuối tuần cho các bạn nhỏ có dịp tìm hiểu nhiều hơn về nghề nông và thêm yêu ruộng đồng, nông sản nước ta.
Là vụ thu hoạch đầu tiên, vườn nho Hanh Xuân bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế của hướng đi mới. Đây cũng là nguồn động lực thôi thúc những người chủ vườn nho mong muốn mở rộng mô hình, đa dạng hóa thêm nhiều giống cây trồng mới để bốn mùa nơi đây đều là điểm tham quan trải nghiệm hấp dẫn với du khách gần xa.
Cùng với đó, những người chủ mô hình còn đặt ra mục tiêu lớn hơn nữa là chuyển giao kĩ thuật, hướng dẫn bà con nông dân trong vùng cùng chuyển đổi mô hình sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế trên đồng đất quê mình, tạo nên hệ sinh thái nông nghiệp an toàn và kết nối du lịch với các tour, tuyến du lịch tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ, góp phần phát triển kinh tế xanh, bền vững, theo định hướng của tỉnh và Chính phủ.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, Hợp tác xã Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Xuân Trường cũng như Công ty TNHH Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Thanh Xuân đều có chung điểm nghẽn về vốn, cơ chế để đầu tư của Nhà nước và sức cạnh tranh về giá của sản phẩm nông nghiệp sạch trên thị trường. Phần lớn các đơn vị vẫn tự tìm đầu ra cho sản phẩm và cung ứng cho khách lẻ đến vườn. Do đó, rất cần có sự đồng hành, quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh để tạo bước phát triển ổn định và bền vững hơn nữa.
Năng động, nhạy bén và mạnh dạn tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhiều hộ sản xuất đã bước đầu tạo nên những điểm nhấn mới trên bức tranh nông nghiệp Vĩnh Phúc. Với sự quan tâm bằng những giải pháp cụ thể của các cấp, ngành chức năng sẽ tạo nguồn lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp vào quá trình xây dựng thương hiệu nông sản Vĩnh Phúc cũng như nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tuyết Minh