Ngay từ đầu những năm 50 thế kỉ XX, đế quốc Mĩ xác định Việt Nam là điểm nóng bỏng nhất, có vị trí sống còn trong tuyến ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản nên đã tích cực can thiệp vào chiến tranh Đông Dương. Một mặt, Mĩ ra tay giúp Pháp, mặt khác âm mưu thay thế Pháp để độc chiếm Đông Dương.
Ngày 07/5/1954, quân và dân ta giành thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc cuộc kháng chiến trường kì gian khổ chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mĩ.
Chiến thắng Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ buộc chính phủ Pháp phải kí Hiệp định đình chiến, lập lại hòa bình ở Đông Dương ngày 21/7/1954 tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), rút quân khỏi nước ta, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Trong bối cảnh chính trị khi đó, đất nước tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 chạy qua sông Bến Hải làm ranh giới quân sự tạm thời. Tuy nhiên, Mĩ đã vi phạm trắng trợn Hiệp định Giơ-ne-vơ, lập ra khối quân sự Đông Nam Á và hất cẳng Pháp, xâm chiếm miền Nam hòng đánh bại cách mạng Việt Nam, nhằm lập phòng tuyến ngăn chặn, đẩy lùi Chủ nghĩa xã hội ở vùng Đông Nam Á và trên thế giới. Cũng từ đây, cả dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến khốc liệt mà anh dũng, kiên cường chống lại đế quốc Mĩ xâm lược.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Không có gì quí hơn độc lập, tự do”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”. Lời Người trở thành mệnh lệnh từ trái tim để toàn thể dân tộc Việt Nam trước sau như một, đoàn kết đồng lòng, quyết đánh và quyết thắng đế quốc Mĩ, thực hiện mục tiêu Tổ quốc thống nhất, đồng bào Nam - Bắc sum họp một nhà.
Khi đồng bào miền Nam chiến đấu quyết liệt với “chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” của Mĩ thì ở khắp các địa phương miền Bắc phong trào thi đua sôi nổi “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, đưa miền Bắc trở thành căn cứ địa vững chắc, không ngừng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Trong những ngày chiến đấu cam go nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta: “Dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”. Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song Nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quí hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!” Lời hiệu triệu của Người trở thành niềm tin, sức mạnh, nguồn cổ vũ lớn lao, là bó đuốc soi đường cho quân và dân ta quyết tâm vượt qua mọi gian khổ, hi sinh, với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phới phới dậy tương lai”. Quân dân ta đã giành nhiều chiến thắng vang dội ngay sau đó. Đặc biệt là cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, giáng một đòn quyết định vào chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mĩ, buộc đế quốc Mĩ phải ngồi vào bàn đám phán với ta tại Hội nghị Paris, mở ra cục diện mới vừa đánh, vừa đàm.
Tết Kỷ Dậu 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Bác đã tin tưởng, khích lệ và khẳng định chiến sĩ, đồng bào ta với tinh thần “Tiến lên” nhất định đi đến ngày toàn thắng “Bắc Nam sum họp”.
Tháng 9/1969, Bác mãi mãi đi xa, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong muôn triệu trái tim Việt Nam và Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Trong Di chúc Người để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, Người căn dặn: “Cuộc kháng chiến chống Mĩ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hi sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mĩ đến thắng lợi hoàn toàn.
Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mĩ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”
Một lần nữa Người khẳng định niềm tin: “Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mĩ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà.” Người đã dự cảm “Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mĩ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc.”
“Lời Bác dặn là lời non nước”. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã biến đau thương thành sức mạnh kiên cường hơn và liên tiếp giành những trận thắng lớn. Chiến thắng oanh liệt “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, đánh bại cuộc chiến tranh lần thứ 2 bằng máy bay B52 của Mĩ ra miền Bắc. Tiếp theo đó là chiến thắng Phước Long năm 1974 - đầu năm 1975. Từ đây, quân ta đã chuẩn bị cả về thế và lực cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Cuộc Tổng tiến công mở đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên với trận đột phá chiến lược đánh chiếm Buôn Ma Thuột, ngày 10 - 11/3/1975 toàn bộ Tây Nguyên được giải phóng. Ngày 26/3/1975 giải phóng Huế. Ngày 29/3/1975 giải phóng Đà Nẵng. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định tiến hành Chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Quyết tâm giành thắng lợi cuối cùng, từng đoàn quân tiến về Sài Gòn còn mang theo hình ảnh Bác trong trái tim mình cùng những lời căn dặn và niềm tin chiến thắng của Người, để dù có gian khổ, hi sinh cũng sẵn sàng tiến lên chiến đấu ngoan cường.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu từ cuộc tổng công kích lúc 17h ngày 26/4/1975. Quân và dân ta đã đồng loạt tiến công như vũ bão. Đến 11h30 ngày 30/4/1975, quân ta đánh chiếm Dinh Độc Lập, chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện, cờ giải phóng tung bay, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Sài Gòn được giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối.
Trong giây phút “đất nước trọn niềm vui”, “toàn thắng về ta”, khúc ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vang lên trên khắp các phố phường, khắp các chiến hào và rộn ràng lòng mỗi người dân Việt Nam. “Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta”, “Bởi có Bác, từ nơi đây ra đi tìm đường kách mệnh. Cho chúng con nay được trở về, vĩnh viễn Việt Nam!” Hai miền Bắc - Nam nay sum họp một nhà. Nguyện ước của Bác đã trở thành hiện thực. Trong giây phút xúc động, tự hào ấy, nụ cười xen trong nước mắt, Nhân dân ta cùng nhớ về Người Lãnh tụ thiên tài của cả dân tộc với niềm biết ơn vô ngần.
Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ IV của Đảng khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mĩ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
50 năm đất nước đi từ đại thắng mùa Xuân 1975 đến bước vào kỉ nguyên mới - kỉ nguyên vươn mình của dân tộc, hình ảnh Bác vẫn luôn hiện diện trong lòng dân tộc và trên mỗi chặng đường phát triển của Tổ quốc Việt Nam. Thế hệ hôm nay nguyện tiếp nối những thành quả cách mạng từ thời đại Hồ Chí Minh, không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng trong giai đoạn mới, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc như Người hằng mong.
Tuyết Minh