Cập nhật: 01/05/2011 17:02:02 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tại buổi phát động “Tuần lễ tiêm chủng” ở Việt Nam diễn ra trong thời gian từ ngày 25-30/4/2011 trên toàn quốc, GS.TS. Trịnh Quân Huấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã khẳng định, trong những năm qua, nhờ triển khai vaccin trên diện rộng, hàng trăm ngàn trẻ em và phụ nữ Việt Nam đã được bảo vệ khỏi bệnh tật và tàn phế, hàng chục ngàn trẻ được cứu sống giúp làm giảm gánh nặng kinh tế và xã hội. Thành công nói trên đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân của ngành y tế và cần được khích lệ.

Tiêm chủng mở rộng là chương trình y tế ưu tiên ở mọi quốc gia

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết, trên phạm vi toàn thế giới, chương trình TCMR được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những chương trình chăm sóc sức khỏe thiết thực, hiệu quả nhất thực hiện công ước quốc tế về quyền trẻ em và đã trở thành chương trình ưu tiên của mọi quốc gia. Đối với Chương trình TCMR ở Việt Nam, Thứ trưởng đánh giá cao sự quan tâm của các cấp chính quyền, các đoàn thể và sự đầu tư thiết thực của các tổ chức quốc tế đã góp phần quan trọng làm giảm gánh nặng xã hội do mắc bệnh và tử vong, vì sức khỏe của trẻ em và phụ nữ Việt Nam.

 

Ở Việt Nam, Chương trình TCMR được triển khai trên phạm vi cả nước từ năm 1985 và đã đạt được những kết quả to lớn trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ trẻ em. Sau 11 năm công bố thanh toán bại liệt, Việt Nam vẫn giữ vững thành quả này, cùng với đó là thành công trong việc duy trì loại trừ uốn ván sơ sinh sau 5 năm được cộng đồng quốc tế công nhận. Tỉ lệ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà cũng giảm rõ rệt. Trong năm 2010, TCMR đã tổ chức thành công chiến dịch tiêm vaccin sởi bổ sung cho 7 triệu trẻ em từ 1- 5 tuổi trên cả nước, nhằm có được miễn dịch bền vững với căn bệnh này để tiến tới loại trừ vào năm 2012. Phạm vi bao phủ của vaccin viêm não Nhật Bản ngày càng mở rộng, Việt Nam cũng sản xuất thành công 10 vaccin sử dụng trong TCMR. Được sự tài trợ của GAVI (Liên minh Vaccin và Tiêm chủng toàn cầu) lần đầu tiên vaccin Hib được đưa vào TCMR ở Việt Nam và trở thành vaccin thứ 11 được sử dụng miễn phí cho trẻ em. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, nếu không có vaccin này thì hằng năm Việt Nam có tới hàng trăm nghìn trẻ mắc viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, trong đó hàng nghìn trẻ có thể tử vong. Từ năm 2010, 11 vaccin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em là lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn được đưa vào tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ. Đây là nỗ lực to lớn của tất cả những người làm công tác TCMR trên cả nước suốt 25 năm qua và là kết quả đầu tư, quan tâm của Chính phủ, ngành y tế đối với một chương trình y tế quốc gia có tác động to lớn đến kinh tế - xã hội.

 

Tiêm chủng cho phụ nữ mang thai ở Tây Nguyên. Ảnh: PV

 

Ngày càng nhiều vaccin được đưa vào sử dụng trong TCMR

 

Chương trình TCMR ở Việt Nam được bắt đầu từ năm 1985 với việc triển khai tiêm 6 mũi vaccin cơ bản cho tất cả trẻ em dưới 1 tuổi là lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván và sởi. Năm 1997  bổ sung thêm vaccin thứ 7 là viêm gan B, và năm 2010 bổ sung thêm vaccin thứ 8 là vaccin Hib. Các vaccin khác được dùng ở các vùng có nguy cơ cao cho trẻ trên 1 tuổi là vaccin viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn. Trong nhiều năm liên tục, tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ ở trẻ em đều đạt trên 90%. Chương trình đang phát triển các đề cương xin hỗ trợ của GAVI cho việc đưa thêm các vaccin mới vào Việt Nam trong các năm tới.

 

PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Dự án TCMR quốc gia cho biết, thực tế và kinh nghiệm của Chương trình TCMR ở Việt Nam trong hơn 25 năm qua và ở các nước trên thế giới cho thấy rất rõ tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất đề phòng bệnh. Bằng tiêm chủng vaccin, tỉ lệ mắc bệnh của nhiều bệnh truyền nhiễm có vaccin dự phòng đã giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần. Nhiều bệnh không có ca nào tử vong sau năm 2005. Chúng ta đã thanh toán được bệnh đậu mùa vào cuối những năm 70, bại liệt vào năm 2000, loại trừ được uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và đang tiến tới loại trừ sởi vào năm 2012. Có thể nói đây là một trong những thành tựu lớn nhất mà ngành y tế Việt Nam đã đạt được trong những năm qua trong bối cảnh Việt Nam còn là một nước nghèo thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Thông qua việc triển khai thành công Chương trình TCMR và các chương trình y tế khác, Việt Nam đã giảm đáng kể tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, từ 56 phần nghìn năm 1990 xuống còn 17 phần nghìn năm 2007 và đã đạt được mục tiêu thứ tư của thiên niên kỷ trước thời hạn 8 năm. Thành tích này đã được bạn bè quốc tế ca ngợi và khâm phục và đã được GAVI vinh danh về thành tích xuất sắc trong việc làm giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em.

 

Nhiều bài học kinh nghiệm có được từ thành công của TCMR

 

Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn nhấn mạnh, từ thành công của Chương trình TCMR và các chương trình y tế quốc gia trong những năm qua cho thấy các bài học kinh nghiệm quan trọng trong đẩy lùi và thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đó là:

 

- Cần xã hội hoá cao độ công tác tiêm chủng thể hiện ở đầu tư tốt về nhân lực và vật lực, cam kết chính trị mạnh mẽ và sự tham gia tích cực của toàn bộ hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, đoàn thể xã hội ở các cấp từ Trung ương đến xã phường, sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng.

 

- Cần duy trì một hệ thống y tế vững mạnh,hoạt động hiệu quả, coi trọng đào tạo nguồn lực, nâng cao tỷ lệ và chất lượng dịch vụ tiêm chủng.

 

- Ưu tiên hỗ trợ vùng miền núi, vùng sâu, vùng khó tiếp cận, vùng thiên tai, đảm bảo công bằng xã hội đồng thời tập trung nguồn lực quyết tâm thực hiện các mục tiêu cam kết quốc tế.

 

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cộng đồng.

- Phát huy nội lực, tăng cường sản xuất vaccin trong nước, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế.  

 

 

Theo suckhoedoisong online

Tệp đính kèm