Đề án Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và những thông tin liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT là những nội dung được báo chí quan tâm tại buổi họp báo quý I/2014 của Bộ GDĐT.
Ảnh: VGP/Nguyệt Hà
Tại buổi họp báo (chiều 15/4), nhiều câu hỏi đặt ra cho bộ đề nghị làm rõ vấn đề khi xây dựng Đề án này, Bộ GDĐT có tính tới cơ sở thiết bị. Liệu có thể sách của các môn khoa học tự nhiên không cần làm mà tham khảo từ nguồn sách nước ngoài để đỡ tốn kém.
Rà soát lại để có con số khả thi
Ông Đỗ Ngọc Thống Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho rằng, bất kỳ một đề án nào cũng phải trình, phải trải qua nhiều quá trình thẩm định của nhiều cơ quan, trong đó có Quốc hội. Bộ GDĐT sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến góp ý để hoàn thiện Đề án.
Trao đổi thêm về ý kiến làm chương trình, SGK môn tự nhiên có thể tiếp thu chương trình từ nước ngoài để đỡ tốn kém, ông Thống cho hay lãnh đạo Bộ đã tính đến điều này. Chúng ta sẽ xây dựng một chương trình, SGK của Việt Nam, nhưng sẽ học tập có hệ thống cơ bản để cập nhật mặt bằng chung của thế giới, trong đó có khoa học tự nhiên.
Trên tinh thần đổi mới chương trình, SGK lần này sẽ tận dụng trang thiết bị hiện có, chỉ bổ sung những vấn đề thiết thực, tăng cường công nghệ thông tin.Tuy nhiên, ông Thống khẳng định lại điều quan trọng của vấn đề không phải là nội dung mà ở đây là đổi mới cách dạy, cách học là chính.
Làm rõ thêm nội dung kinh phí thực hiện Đề án, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết con số 34 nghìn tỷ đồng là con số khái toán trên cơ sở định mức quy định về tài chính.
Theo ông Thống, trong số tiền này, nội dung xây dựng chương trình SGK chỉ khoảng 5 ngàn tỷ đồng, số còn lại để phục vụ 7-8 đề mục việc khác như in ấn tài liệu hướng dẫn, tham khảo, tập huấn, bồi dưỡng hơn 2 triệu giáo viên của 35.000 trường học trên toàn quốc… Bộ GDĐT khẳng định số tiền thực hiện Đề án còn phải qua nhiều lần báo cáo Quốc hội cũng như công tác thẩm tra của cơ quan này.
Trong phiên giải trình của Bộ GDĐT với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/4, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển đã báo cáo về Đề án này. Tuy nhiên, ngay sau đó nhiều đại biểu Quốc hội đã không đồng tình với lí do Đề án còn sơ sài, chưa tính tới điều kiện kinh tế thực tế đất nước.
Dự kiến ngày 25/4 tới, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ chính thức thẩm định Đề án. Sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dựa trên cơ sở thẩm định của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng để đưa ra Quốc hội trong tháng 5 và tháng 7 tới đây.
Về một số “khúc mắc” xung quanh kỳ thi tốt nghiệp THPT
Tại cuộc họp báo, nhiều ý kiến xoay quanh những nội dung mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, trong đó có điểm mới trong đề thi môn Văn và môn Ngoại ngữ.
Trả lời câu hỏi môn Ngoại ngữ thi tốt nghiệp THPT năm nay thí sinh phải làm bài thi viết hay viết luận, ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - giải đáp Bộ GDĐT nêu rõ môn Ngoại ngữ gồm thi viết và trắc nghiệm. Phần thi viết có nhiều dạng (như chuyển từ bị động sang chủ động, điền từ vào chỗ trống), viết theo các topic, chủ đề.
Cung cấp thêm những điểm mới trong xét tốt nghiệp và bảo lưu kết quả đối với thí sinh giáo dục thường xuyên năm nay, ông Mai Văn Trinh cho hay năm nay, với việc giảm số môn thi từ 6 môn trước đây xuống còn 4 môn, sẽ có trường hợp thí sinh hệ giáo dục thường xuyên dự thi từ năm 2013 nhưng trượt tốt nghiệp, năm nay đăng ký dự thi gồm 4 môn và được bảo lưu điểm thi (những môn đã đạt yêu cầu).
Tuy nhiên, ông Trinh nhấn mạnh: Các học viên GDTX bảo lưu điểm thi của những môn thí sinh đã thi năm 2013 đạt yêu cầu rồi, không phải không thi mà có điểm.
Với quy định mới về việc xét công nhận tốt nghiệp, tổng điểm của 4 môn (điểm thi hay điểm bảo lưu) chỉ chiếm 50% tổng điểm xét tốt nghiệp, còn điểm trung bình năm học lớp 12 chiếm 50%.
Trước những băn khoăn về việc Bộ đổi mới cách ra đề Ngữ văn và Ngoại ngữ tại kỳ thi tốt nghiệp THPT lần này quá muộn (chỉ còn 1 tháng) các em học sinh cũng như giáo viên chỉ còn ít thời gian chuẩn bị nên có thể chịu thiệt thòi, ông Mai Văn khẳng định việc thay đổi này tuy có muộn nhưng cũng nhằm mục đích quay trở lại tác động tới quá trình học của các em theo hướng tích cực hơn.
Về những lo ngại cho rằng kết hợp kết quả trung bình môn học năm lớp 12 chiếm 50% đánh giá xét tuyển tốt nghiệp dễ dẫn đến việc 100% đỗ tốt nghiệp do các trường, thầy cô châm chước nên cho điểm số những năm cuối cấp cao, chưa kể bệnh thành tích dễ khiến nảy sinh tiêu cực, ông Trinh cho biết việc sử dụng kết quả bình quân môn học lớp 12 để xét tốt nghiệp nằm trong lộ trình đổi mới thi cử theo Nghị quyết TƯ 29 với mục đích giảm áp lực và tốn kém, làm dữ liệu tuyển đại học, cao đẳng. Hơn nữa đây là cách thức nhiều nước đã sử dụng từ lâu và kết quả đánh giá có mức độ chính xác cao.
Theo Nguyệt Hà/Chinhphu.vn