Cập nhật: 20/11/2018 16:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện nay, đang là cao điểm mùa khô hanh, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh luôn ở mức cao. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng với phương châm phòng là chính.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 34 nghìn ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng đặc dụng là gần 16 nghìn ha, rừng phòng hộ trên 4 nghìn ha và rừng sản xuất gần 14 nghìn ha, qua rà soát của lực lượng kiểm lâm, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 8.000 ha rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao trong mùa hanh khô, tập trung ở các xã: Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên; Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên…

Xác định phòng chống cháy rừng là trách nhiệm của các cấp, ngành, chủ rừng và toàn dân, ngay đầu mùa hanh khô, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xây dựng các phương án phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng và tổ chức huấn luyện thực binh theo phương án đã đề ra.Tổ chức lực lượng thường trực, canh gác lửa rừng tại các chòi, lán gác lửa rừng trong những ngày cao điểm 24/24 giờ; bố trí lực lượng ngăn chặn, nhắc nhở người dân tại các điểm đông người ra vào rừng để cảnh báo với việc sử dụng lửa ở trong rừng và phát hiện cháy rừng nhanh nhất.Đôn đốc, hướng dẫn các chủ rừng các biện pháp lâm sinh làm giảm nguồn vật liệu cháy ở trong rừng khi chăm sóc, tu bổ, cải tạo rừng.

Để nâng cao kiến thức trong công tác PCCR và bảo vệ rừng, trước đó Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức 2 lớp Tập huấn cho gần 100 học viên là lực lượng bảo vệ rừng và các chủ rừng ở các huyện: Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên. Thông qua những buổi tập huấn, lực lượng bảo vệ rừng và các chủ rừng đã được truyền đạt những kiếm thức cơ bản về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; được hướng dẫn sử dụng một số dụng cụ, phương tiện tại chỗ trong chữa cháy rừng,như: Máy bơm nước, máy cưa xăng, máy cắt thực bì, máy thổi gió. Ngoài kiến thức nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy rừng, tại lớp Tập huấn đã tuyên truyền đến các học viên về các văn bản pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng. Từ đó các học viên tuyên truyền những kiến thức cơ bản và phù hợp nhất tới địa phương nơi mình sinh sống.

Tại Hạt kiểm lâm Thành phố Phúc Yên, song song với việc phân công rõ trách nhiệm tới từng tổ chức, cá nhân liên quan chuẩn bị các phương án chủ động đối phó và khắc phục nếu cháy rừng xảy ra, Hạt kiểm lâm thành phố tăng cường lực lượng thường trực ở các chốt, trạm bảo vệ rừng để có thể phát hiện nhanh nhất các đám cháy xảy ra... 

Với tổng diện tích đất lâm nghiệp là trên 4.600 ha, trong đó diện tích rừng có khả năng xảy ra nguy cơ cháy rừng cao vào mùa hanh khô trên địa bàn thành phố là khoảng 2.400 ha tập trung ở Khu Lập Đinh, Thanh Cao, Đồng Trầm xã Ngọc Thanh, và Trung tâm Khoa học sản xuất lâm nghiệp Đông Bắc Bộ.

Để hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng xảy ra, ngay từ đầu mùa khô, lực lượng kiểm lâm của thành phố Phúc Yên đã xây dựng phương án PCCC rừng mùa hanh khô năm 2018. Qua đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng được đẩy mạnh. Các địa phương chủ động rà soát, tu sửa đường băng trắng cản lửa những khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng; hướng dẫn các chủ rừng phát đường băng cản lửa, vệ sinh, chăm sóc rừng trồng; đưa vật liệu dễ cháy ra khỏi phạm vi rừng. Chính quyền các xã phối hợp với chủ rừng tăng cường tuần tra, kiểm soát người đi lại, sinh hoạt trong rừng nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng; cảnh giới cao việc sử dụng lửa trong mùa khô hanh. Hoạt động đốt dọn thực bì trồng rừng, phát rừng và sử dụng lửa gần các khu vực có rừng được các địa phương quản lý, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ. 

Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng cấp thành phố, cấp xã, đơn vị và chủ rừng được thực hiện nghiêm túc; đảm bảo đầy đủ vật tư, dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ. 

Mùa hanh khô thường kéo dài từ tháng 10 năm nay đến hết tháng tư năm sau nên việc chủ động các biện pháp phòng chống cháy rừng cần có sự vào cuộc của cả các lực lượng chức năng và chủ rừng, với phương châm phòng ngừa là chính, chữa cháy phải kịp thời và có hiệu quả nhằm hạn chế tối đa các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra./.

Đức Thiện

Tệp đính kèm