Cập nhật: 16/06/2023 08:23:00
Xem cỡ chữ

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, những năm gần đây, tình hình thời tiết, khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy việc chủ động phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân và đảm bảo cho phát triển nông nghiệp bền vững.

Để chủ động phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, trong mùa mưa bão, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động phối hợp với các huyện, thành phố, thực hiện nghiêm các văn bản Chỉ đạo của tỉnh và của Trung ương. Đồng thời, phân công cụ thể trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn và chính quyền cấp xã trong việc thực hiện nhiệm vụ về quản lý an toàn công trình thủy lợi. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý, chất lượng công trình xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi trên địa bàn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 tuyến đê sông chính, đó là: đê tả sông Hồng, sông Lô và đê tả, hữu sông Phó Đáy, có vị trí rất quan trọng trong việc bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước, Nhân dân trong tỉnh. Vì vậy, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNN phối hợp với các ngành liên quan, UBND các địa phương chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho đê, đặc biệt là các vị trí đê xung yếu, trọng điểm; chuẩn bị sẵn sàng tổ chức phương án hộ đê, phương án ứng phó trong điều kiện xảy ra bão, lũ lớn, kể cả trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế.

Cùng với đó toàn tỉnh có 11 hồ chứa nước lớn, 18 hồ chứa nước vừa, 106 hồ chứa nước nhỏ, 6 đập dâng. Trong công tác đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã xây dựng kế hoạch theo dõi cập nhật thường xuyên tình hình khí tượng, thủy văn để kịp thời cảnh báo, hướng dẫn các địa phương thực hiện phương án theo phương châm “4 tại chỗ” và “ 3 sẵn sàng”.

Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo hiện đang quản lý hệ thống công trình thủy lợi gồm: 07 hồ chứa nước lớn, 01 hồ chứa nước vừa, 27 hồ chứa nước nhỏ, 19 đập dâng ngang suối, 32 trạm bơm trên địa bàn 18 xã, thị trấn của 3 huyện Tam Đảo, Tam Dương, Bình Xuyên. Ngoài việc thực hiện tốt công tác tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, Công ty trực tiếp chịu trách nhiệm duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn hồ đập trước, trong và sau mùa mưa bão. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tại địa phương thực hiện các phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác PCTT&TKCN, từ đầu năm 2023, huyện Sông Lô đã thực hiện nghiêm các văn bản hướng dẫn phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của tỉnh và phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, xây dựng phương án với những điểm đê xung yếu, và công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý.

Theo đó, Phòng Nông nghiệp huyện Sông Lô cũng phối hợp với các Công ty thủy lợi đánh giá mức độ an toàn, xây dựng kế hoạch sửa chữa kịp thời những hư hỏng của hệ thống hồ chứa và các hệ thống trạm bơm tiêu úng; Phối hợp với xây dựng Phương án PCTT&TKCN tại các hồ chứa, hệ thống công trình tiêu úng còn lại theo phân cấp; Tiến hành nạo vét, tháo dỡ các vật cản trên hệ thống sông tiêu, luồng tiêu, trục tiêu theo phân cấp quản lý. Tiến hành tu bổ, bảo dưỡng vận hành thử hệ thống hồ đập và máy móc thiết bị; thường xuyên tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, công tác chuẩn bị vật tư như: bạt chắn sóng, bao tải, áo phao,… luôn ở tư thế sẵn sàng.

Với sự chủ động, linh hoạt trong thực hiện các giải pháp, tin tưởng rằng, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục triển khai tốt các nhiệm vụ ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi năm 2023./.

Đức Thiện