Cập nhật: 19/12/2018 16:36:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các chính sách hỗ trợ tích cực của tỉnh cùng với nỗ lực hoạt động của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc đã góp phần làm cho các nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp của tỉnh có sự chuyển biến tích cực, từ đó góp phần quan trọng vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Theo số liệu thống kê của Sở Công thương Vĩnh Phúc, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 27 làng nghề và 11 nghề tiểu thủ công nghiệp với hàng ngàn hộ tham gia và thu hút hơn 50.000 lao động. Các nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp đã có góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sự phát triển chung của nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Để hỗ trợ cho các nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển, với 5,5 tỷ đồng kinh phí khuyến công năm 2018, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc đã tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm… Những hoạt động hỗ trợ này không chỉ gia tăng giá trị kinh tế, đóng góp cho ngân sách Nhà nước, mà còn giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động thủ công, lao động nông thôn.

Nghề mộc ở thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên hình thành cách đây hàng trăm năm, phát triển theo hình thức cha truyền con nối. Năm 2008, nghề mộc Thanh Lãng được công nhận làng nghề. Đến nay, làng nghề mộc Thanh Lãng có gần 2.000 hộ làm nghề, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Doanh thu từ nghề mộc hàng năm ước đạt trên 300 tỷ đồng. 

Với sự năng động, nhạy bén trước những thay đổi của cơ chế thị trường, nhu cầu sử dụng đồ gỗ cao cấp tăng cao; được sự hỗ trợ của nguồn kinh phí khuyến công, hộ gia đình anh Lưu văn Hải ở thị trấn Thanh Lãng đã thay đổi tư duy sản xuất, đầu tư máy móc, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa sản phẩm mộc Thanh Lãng không những bền, đẹp về kiểu dáng mà còn đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật, mỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của khách hàng và khẳng định thương hiệu trên thị trường. 

Phát huy truyền thống, với bàn tay tài hoa của những người thợ, cùng sự hỗ trợ của công nghệ và máy móc hiện đại, những sản phẩm của làng nghề mộc Thanh Lãng như: Cuốn thư, câu đối, sập, tủ chè, bàn ghế mỹ nghệ, đồ nội thất... ngày càng tinh xảo, có hồn và mang nét đặc trưng rất riêng. Các sản phẩm không chỉ đứng vững trên thị trường trong và ngoài tỉnh mà còn làm cho tên tuổi làng nghề ngày càng vươn xa. 

Hoạt động khuyến công đã tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở công nghiệp nông thôn và làng nghề; ứng dụng máy móc thiết bị, tiến bộ khoa học kỹ thuật... vào sản xuất. Việc phát triển nghề truyền thống bền vững sẽ tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua đó, tạo được nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm việc di dân từ nông thôn ra thành phố, thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. 

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại mỗi địa phương. Để duy trì và phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, bên cạnh sự hỗ trợ, ủng hộ của các cơ quan, ban ngành thì cũng rất cần sự nỗ lực từ phía các làng nghề, các nghệ nhân trong việc thay đổi tư duy, biết nắm bắt nhu cầu thị trường để từ đó giữ gìn và phát triển thương hiệu các sản phẩm của làng nghề, giúp các làng nghề phát triển bền vững. 

Thúy Hơn

Tệp đính kèm