Một năm học mới lại bắt đầu. Cùng với niềm vui háo hức được đến trường, một số trẻ lại có tâm lý ngại học hay lười học sau kỳ nghỉ hè dài, thậm chí phản ứng lo âu căng thẳng quá mức, sợ đi học.
Với các trường hợp này chúng ta cần làm gì để giúp trẻ?
Tại sao trẻ lo âu, căng thẳng khi phải đi học?
Như chúng ta đã biết, trẻ em có rất nhiều lo âu và xuất hiện ở từng độ tuổi. Ngay từ bé, trẻ thường bám theo kêu khóc khi mẹ rời nhà đi chợ hay đi làm. Lo âu thường gặp ở trẻ em 1 - 3 tuổi, tỷ lệ ngang nhau ở hai giới. Có thể khởi phát ở tuổi trước khi đi học, nhưng nhiều trường hợp bắt đầu ở 10 - 12 tuổi; thể nặng điển hình là không chịu đi học.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên:
Các nhân tố tâm lý xã hội: Trẻ nhỏ chưa trưởng thành và còn lệ thuộc vào mẹ; có nhiều lo sợ xảy ra trong giai đoạn phát triển như sợ mất mẹ, sợ mất tình yêu của mẹ,... đặc biệt là sợ phải chia ly với mẹ (sợ mất mẹ). Trẻ em chỉ cảm thấy an toàn khi có mặt cha mẹ mình.
Các nhân tố tính cách: Việc con trẻ không muốn đi học, sợ đi học có thể là do trẻ nhận thức kém không theo kịp các bạn; trẻ khó thích nghi với môi trường mới do có điều kiện ăn ở, chăm sóc khác biệt so với môi trường cũ... Một số trẻ thường chu đáo tỉ mỉ, muốn làm vui lòng, có khuynh hướng tuân thủ. Gia đình có khuynh hướng gắn bó chăm sóc nhau, trẻ em được chiều chuộng, cha mẹ quá quan tâm.
Việc thay đổi môi trường sống, chuyển trường, chuyển lớp, chuyển chỗ ở đều là các tình huống gây stress với những trẻ này.
Nhân tố di truyền: Các nghiên cứu gia đình cho thấy trẻ em bị lo âu thường là con của người bị rối loạn lo âu chia ly thời trẻ.
Nhân tố học tập: Trẻ em thường tập nhiễm tính cách của cha mẹ. Cha mẹ bị lo âu ám ảnh sợ, con cái sẽ thích ứng với các hoàn cảnh mới với tính cách ám ảnh sợ, đặc biệt là với môi trường học đường.
Nhân tố từ môi trường: Các yếu tố bất lợi từ môi trường như điều kiện sinh hoạt và học tập nghèo nàn, trình độ nghiệp vụ sự phạm yếu kém, đôi khi trẻ bị bạn bắt nạt hay bị cô giáo mắng, đánh, tạo sức ép...
Cha mẹ, giáo viên nên gần gũi, động viên trẻ, giúp trẻ giảm bớt lo âu khi đi học. (ảnh minh họa)
Biểu hiện và giải pháp
Một số trẻ stress lo âu khi thay đổi môi trường kèm theo các triệu chứng bệnh về thực thể như buồn nôn, đau dạ dày, đau chỗ này đau chỗ khác, đau đầu, đau bụng, choáng váng, chóng mặt, các triệu chứng này giống như cảm cúm. Ở trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên, có thể thấy các triệu chứng điển hình về tim mạch và hô hấp, đau ngực, hồi hộp, chóng mặt, choáng váng, nghẹt thở. Một số trẻ còn kèm theo các biểu hiện của rối loạn giấc ngủ như đòi mẹ hay người có quan hệ gắn bó nằm bên cạnh cho đến khi trẻ ngủ, sợ bóng tối, khó ngủ, ác mộng…
Với những trường hợp này, trước tiên, chúng ta cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân khiến con lo lắng, sợ đến trường. Khi tìm được nguyên nhân chính xác chúng ta mới có thể tìm được cách khắc phục phù hợp.
Bố mẹ nên gần gũi, lắng nghe và theo dõi những tâm tư và biểu hiện của con cái. Tuyệt đối không tạo sức ép cho trẻ, đồng thời có thể góp ý để giáo viên biết tình trạng của con, từ đó cố gắng động viên con nhiều hơn, giúp con dần làm quen với môi trường mới. Chúng ta cũng có thể nhờ giáo viên tạo điều kiện để con ngồi gần, chơi cùng các bạn có tính cách vui vẻ, hòa đồng trong lớp để trẻ nhanh chóng tìm được niềm vui kết bạn khi đến trường.
Ngoài ra, bố mẹ không nên thể hiện thái độ quá sốt sắng hay bị chi phối khi trẻ kêu mệt, đau đầu, đau bụng, buồn nôn hoặc có các triệu chứng này. Vì khi đó, trẻ có thể càng cố tình tỏ ra trầm trọng hơn và viện vào cớ đó để nghỉ học, hay không làm những việc chúng không thích. Bố mẹ cũng cần xác định rằng, những khó khăn này của trẻ không thể chấm dứt ngay nên cần kiên trì để giúp đỡ con khắc phục.
Điều thiết thực nhất là cha mẹ nên chuẩn bị cho trẻ làm quen với môi trường mới ngay từ khi trẻ còn học ở bậc học dưới hay ở nhà bằng cách rèn cho con biết tuân thủ một số quy tắc như ngồi yên, giữ im lặng trong khoảng thời gian nhất định, giúp con làm quen dần với các kiến thức mới... Khi dạy con, bố mẹ cần lựa chọn theo ý thích của con và không nên theo kiểu bắt ép nhồi nhét. Hoạt động học tập nên xen kẽ với hoạt động chơi như vẽ, tô màu, xếp hình... Bố mẹ có thể dạy trẻ thông qua các hoạt động trong cuộc sống hằng ngày như để trẻ đếm, lấy bát, đũa mỗi bữa cơm, đếm bậc cầu thang, làm phép trừ số táo, số kẹo đã ăn...
Tuy nhiên, khi chúng ta đã tìm hiểu tường tận các nguyên nhân và đã kiên trì thực hiện các cách khắc phục mà trẻ vẫn có biểu hiện lo âu, sợ hãi tăng lên hoặc mệt mỏi, sút cân thì việc cần làm là đưa trẻ đến các chuyên gia sức khỏe tâm thần và tâm lý để nhận sự đánh giá tư vấn và trợ giúp kịp thời.
ThS Tâm lý Nguyễn Như Phương
Theo suckhoedoisong.vn