Tỉnh Vĩnh Phúc được coi là một trong những địa phương đi đầu của cả nước về tinh giản bộ máy. Đề án 01 của BTV Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất của tỉnh Vĩnh Phúc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Vĩnh Phúc đã có những chuyển biến tích cực trong thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đơn vị.
BTV Tỉnh ủy Vĩnh Phúc triển khai Đề án 01
Đề án 01 của BTV Tỉnh ủy được triển khai thực hiện đã tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành, nhận thức của cán bộ công chức viên chức về sự sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế được nâng lên rõ rệt. Nhiều nhiệm vụ được thực hiện đúng tiến độ, nhiều phòng ban được sắp xếp, sáp nhập bảo đảm tinh gọn, nâng cao hiệu quả công việc. Song song với việc sắp xếp lại bộ máy, các cấp, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đây là việc làm không chỉ loại khỏi bộ máy những CBCCVC yếu kém về năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra mà còn xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu quả. Cụ thể như đối với cơ quan Sở Y tế Vĩnh Phúc đã giảm được 27 đầu mối, 6 trung tâm y tế dự phòng đã sáp nhập thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật. Ở tuyến huyện, 4 đơn vị gồm: Bệnh viện đa khoa, Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm an toàn vệ sinh thực phẩm và Trung tâm kế hoạch hóa gia đình được sáp nhập thành Trung tâm y tế huyện. Qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị y tế trong toàn tỉnh.
Phòng khám Đa khoa Quang Hà, Huyện Bình Xuyên điều trị bệnh nhân Covid-19
Tại huyện Yên Lạc, từ một địa phương có bộ máy hành chính cồng kềnh, nhiều bộ phận chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, một số cán bộ làm việc không hiệu quả, huyện Yên Lạc đã chủ động xây dựng các giải pháp phù hợp trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, khắc phục triệt để những bất cập, xây dựng được bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Lạc cho biết: "Trong thời gian tới, huyện Yên Lạc tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt Đề án 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc theo lộ trình đề ra, chú trọng phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện Đề án; gắn kết quả thực hiện Đề án với công tác thi đua khen thưởng; áp dụng các giải pháp, sáng kiến để nâng cao hiệu quả thực hiện. Tăng cường rà soát chức năng, nhiệm vụ và vị trí việc làm để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong huyện. Đồng thời tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền, thực hiện công khai, khách quan, minh bạch trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm, khuyết điểm liên quan đến cán bộ, công chức. Phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, góp phần đưa quê hương Yên Lạc ngày càng giàu đẹp, phồn thịnh".
Thực hiện Đề án 01 của BTV Tỉnh ủy, huyện ủy Vĩnh Tường đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên thông qua các buổi học tập chuyên đề, các kỳ họp chi bộ, các đợt sinh hoạt tập thể nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị. Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng công tác cán bộ, từ đó giúp mỗi cá nhân xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của bản thân để cùng các cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng bộ máy tinh gọn, tránh sự chồng chéo, giảm áp lực cho ngân sách, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn của mỗi cán bộ, đảng viên.
Theo đó, ngay trong năm 2017, huyện Vĩnh Tường đã hoàn thành việc sáp nhập, sắp xếp bộ máy (sớm hơn 1 năm so với lộ trình của Đề án số 01), sau sáp nhập giảm được 4 đầu mối đơn vị. Huyện Vĩnh Tường là địa phương tiên phong của tỉnh trong việc tiến hành sáp nhập 3 đơn vị: Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Ban Dân vận Huyện ủy, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện thành Ban Tuyên giáo - Dân vận Huyện ủy và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/8/2017. Năm 2018, huyện Vĩnh Tường sáp nhập, hợp nhất 10 trường Tiểu học và THCS có quy mô dưới 8 lớp thành 5 trường.
Năm 2019, huyện đã triển khai kế hoạch sáp nhập 11 thôn, tổ dân phố có quy mô dân số và quy mô diện tích tự nhiên dưới 50% theo quy định tại Thông tư 14/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ. Huyện cũng thực hiện việc giải thể các chi bộ cơ quan và chi bộ quân sự trực thuộc đảng ủy xã, thị trấn, chuyển đảng viên là cán bộ, công chức, dân quân thường trực về sinh hoạt tại chi bộ thôn, tổ dân phố nơi cư trú, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, đồng thời khắc phục được tình trạng “xa dân” của cán bộ, công chức xã khi còn mô hình chi bộ cơ quan.
Năm 2020, huyện Vĩnh Tường cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, thành lập xã Tân Phú trên cơ sở nhập toàn bộ 2,04 km2 diện tích đất tự nhiên, 3.597 người của xã Phú Thịnh và toàn bộ 2,32 km2 diện tích đất tự nhiên, 3.647 người của xã Tân Cương. Sau khi thành lập, xã Tân Phú có 4,36 km2 diện tích đất tự nhiên và quy mô dân số 7.244 người. Sau khi sắp xếp, huyện Vĩnh Tường có 28 đơn vị hành chính cấp xã gồm 25 xã và 3 thị trấn.
Lễ công bố Quyết định thành lập xã Tân Phú, huyện Vĩnh Tường.
Đến nay, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Đề án, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo báo cáo Tổng kết thực hiện Đề án số 01 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, đến cuối tháng 2/2020, toàn tỉnh đã hoàn thành 107/111 nhiệm vụ của Đề án 01, đạt 96,4%. Đối với các cơ quan hành chính cấp tỉnh, có 17/21 sở, ngành thực hiện giảm 37 phòng chuyên môn theo quy định, đạt tỷ lệ 80,9%.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay, toàn tỉnh giảm được 52 đơn vị, cơ bản hoàn thành yêu cầu đề ra. UBND tỉnh đã điều chuyển, ủy quyền cho một số cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý 24 tổ chức Hội đặc thù. Tại các xã, thị trấn, toàn tỉnh có 17/137 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh, 2 năm qua, sau sắp xếp, toàn tỉnh còn 7.996 người hoạt động không chuyên trách, giảm trên 10.700 người; tinh giản thêm 715 người sau khi thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố. Sau sáp nhập và tinh giản bộ máy, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc tiết kiệm được ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Từ nay đến năm 2021, Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện bố trí cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm, phù hợp với năng lực, trình độ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Thanh Huyền