Cập nhật: 10/02/2021 15:50:00
Xem cỡ chữ

Năm 2020, ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc tăng trưởng gần 2,9% so với năm 2019; vượt mức bình quân chung cả nước, giá trị sản xuất toàn ngành đạt trên 10 nghìn tỷ đồng. Đây là kết quả ấn tượng trong điều kiện sản xuất nông nghiệp phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Với đặc thù là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, để phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Sông Lô chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; khuyến khích người dân mở rộng mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, sử dụng giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và xu hướng của thị trường.

Năm 2020 được đánh giá là năm đặc biệt khó khăn với phát triển kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên, việc tái đàn còn gặp nhiều khó khăn, do giá con giống quá cao, nguồn cung cấp con giống từ các cơ sở chăn nuôi uy tín, đảm bảo an toàn còn hạn chế, cùng với tâm lý lo ngại dịch bệnh có thể bùng phát trở lại ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi. Đặc biệt, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và tiêu thụ một số nông sản trên địa bàn tỉnh; nguyên liệu, hàng hóa tăng cao, trong khi giá một số loại sản phẩm nông sản còn thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định. Nhận định rõ những khó khăn, thách thức tác động đến sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025; Đề án xác định điểm giao nhận sản phẩm dịch vụ thủy lợi và các công trình thủy lợi nhỏ trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn. Đồng thời, tỉnh tăng cường chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung khắc phục khó khăn, duy trì ổn định sản xuất.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2020 đã từng bước vượt qua khó khăn, duy trì tăng trưởng ổn định ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất chính. Các cây trồng có giá trị kinh tế cao được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; hình thành một số vùng sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt gần 86.000 ha, tăng 1,1% so với kế hoạch. Kết quả đó khẳng định tinh thần vượt khó của toàn ngành, là tiền đề cho ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm mới Tân Sửu 2021./.

Đặng Thưởng