Với mục tiêu phấn đấu trở thành đô thị Vĩnh Phúc trong tương lai, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm, chương trình đột phá. Một trong số đó phải kể đến là cải cách dịch vụ hành chính theo hướng công khai, minh bạch, thân thiện, xây dựng một chính quyền điện tử vì người dân và doanh nghiệp. Từ đó, phát huy hiệu quả quản lý, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Nhằm phát triển dịch vụ công (DVC) trực tuyến, Cổng Dịch vụ công tỉnh đã kết nối, liên thông, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tính đến nay, Cổng Dịch vụ công tỉnh đã đăng tải trên 1.800 thủ tục hành chính (TTHC) công, trong đó tích hợp được trên 770 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Từ ngày 1/6/2020, đã hoàn thành việc kết nối với nền tảng thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia và chính thức bổ sung kênh thu phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng này, cung cấp thêm một kênh thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, giảm bớt thời gian đi lại, chờ đợi so với các kênh thanh toán truyền thống hiện nay.
Trong công tác giải quyết TTHC, tính riêng trong quý 3 năm 2021, Trung tâm Phục vụ hành chính công (HCC) tỉnh tiếp nhận mới trên 14.000 hồ sơ, tồn từ kỳ trước chuyển sang là 2.191 hồ sơ, lũy kế đã và đang giải quyết trong kỳ là 16.234 hồ sơ. Đến hạn giải quyết là hơn 14.100 hồ sơ. Đã có kết quả trả trước và đúng hạn là 14.064 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,74%. Trong quý 3 có 15 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh phát sinh hồ sơ trực tuyến với tổng số 5.629 hồ sơ, trong đó có 260 hồ sơ nộp mức độ 3 và 5.369 hồ sơ nộp mức độ 4. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trung bình đạt 19,5% trên tổng số hồ sơ giải quyết của các sở, ngành tiếp nhận giải quyết. Qua kết quả giải quyết TTHC các tháng từ đầu năm cho thấy, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn luôn đạt mức cao, trên 99%; tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 có tăng song còn chậm và chưa đạt yêu cầu của Chính phủ giao.
Là đơn vị thường xuyên tiếp nhận và giải quyết các TTHC cho doanh nghiệp nước ngoài, thời gian qua, Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Phúc đã chủ động ứng dụng DVC trực tuyến trong giải quyết TTHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tính đến ngày 15/9/2021, Ban Quản lý các KCN đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho 25 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban, chiếm 54% tổng số TTHC; 100% hồ sơ TTHC được cập nhật đầy đủ vào phần mềm ứng dụng cho Bộ phận một cửa tại Trung tâm Phục vụ HCC theo quy định. 9 tháng đầu năm 2021, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến cho 1.565/1.609 hồ sơ, đạt tỷ lệ 97% tổng số hồ sơ tiếp nhận, tỷ lệ TTHC giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,9%; thực hiện thanh toán trực tuyến 600/780 giao dịch, chiếm tỷ lệ 77% tổng số hồ sơ giao dịch. Việc ứng dụng DVC trực tuyến trong giải quyết các TTHC của Ban Quản lý các KCN được doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.
Với việc cung cấp 84 DVC trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng DVC tỉnh Vĩnh Phúc và DVC Quốc gia, Sở Công Thương tỉnh cũng là một trong những đơn vị dẫn đầu về tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến trong khối sở, ngành của tỉnh. Tính từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương tỉnh đã tiếp nhận trên 6.400 hồ sơ trực tuyến mức độ 4, đạt tỷ lệ trên 70%. Việc sử dụng DVC trực tuyến không chỉ đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp mà với đội ngũ cán bộ công chức làm công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC cũng đem lại hiệu quả tích cực.
Đối với công tác giải quyết TTHHC cấp huyện, thành phố, tính riêng trong quý 3/2021, tỷ lệ giải quyết TTHC trước và đúng hạn tiếp tục đạt tỷ lệ cao, trung bình tại 9 huyện thành phố là trên 96%, không có địa phương nào dưới 90%. Tuy tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn đạt cao nhưng số lượng hồ sơ chưa được nhập và giải quyết trên phần mềm còn đáng kể. Tình trạng này xuất hiện ở nhiều bộ phận một cửa, đặc biệt là cấp xã. Bên cạnh đó, hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 phát sinh còn quá thấp so với quy định, có nhiều công dân nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng DVC tỉnh nhưng cán bộ không tiếp nhận giải quyết.
Việc triển khai DVC trực tuyến trong công tác giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến ở một số cơ quan, đơn vị, đặc biệt là cấp huyện, xã còn thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu của tỉnh đặt ra và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Chính vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng DVC trực tuyến, rất cần sự nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa của các cơ quan, đơn vị cũng như đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết TTHC, để mục tiêu xây dựng một chính quyền điện tử vì người dân và doanh nghiệp sẽ đạt kết quả như kỳ vọng./.
Hải Đăng