Cập nhật: 03/02/2022 13:37:00
Xem cỡ chữ

Lạng Sơn tiếp tục tập trung phát triển cửa khẩu số tại Cửa khẩu quốc tế Hữu nghị và Cửa khẩu Tân Thanh, tạo ra một nền tảng số ứng dụng cho các cửa khẩu ở tỉnh nhằm tự động hóa quy trình, công khai...

Lang Son: Phat trien cua khau so trong hoat dong xuat nhap khau hinh anh 1

Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. (Ảnh: Vietnam+)

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới với hơn 231km đường biên giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia và 9 cửa khẩu phụ, có hệ thống giao thông quan trọng kết nối trong nước và quốc tế, thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện cho phát triển xuất nhập khẩu của cả nước qua địa bàn.

Khó khăn từ đại dịch

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, hoạt động thương mại biên giới còn nhiều bất cập như cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; việc xúc tiến đầu tư ngoài ngân sách gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, chia cắt, quỹ đất, việc kết nối giao thông; suất đầu tư cho cửa khẩu tại Lạng Sơn lớn hơn rất nhiều lần so với cảng biển hoặc các cửa khẩu khác có điều kiện tương đồng. Cùng đó là những vấn đề phát sinh liên tục trong khi chính sách chưa theo kịp thực tiễn…

Hiện việc giao thương hàng hóa diễn ra trên sự thỏa thuận giữa chủ hàng hai bên; có rất ít doanh nghiệp, tư thương thành lập hợp đồng ngoại thương nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiệt hại, đặc biệt là đối với người bán. Ngoài ra, nhiều trường hợp chủ hàng ủy thác cho lái xe chở hàng hóa xuất khẩu không có hợp đồng chính thức sau khi sang đến bến bãi, chợ biên giới phía Trung Quốc mới giao dịch mua bán trực tiếp tại bến bãi, chợ biên giới với hình thức giao dịch thương mại tiểu ngạch hiện nay chiếm trên 90%, còn lại là chính ngạch.

Đặc biệt, Lạng Sơn tiếp tục gặp nhiều khó khăn từ đại dịch COVID-19. Đồng thời là địa bàn cuối cùng để hàng nông sản cả nước xuất khẩu sang Trung Quốc; hàng hóa, phương tiện không xuất khẩu được các cửa khẩu khác dồn về Lạng Sơn.

Cùng đó, Trung Quốc liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm hóa 100% đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. Vì vậy, khi hàng hóa là nông sản, hoa quả của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thường phải phân loại lại, có trường hợp do chất lượng không đảm bảo nên bị ép giá, thậm chí không thể xuất khẩu.

Hiện nay, trên địa bàn Lạng Sơn chỉ còn có cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu quốc tế Ga đường sắt Đồng Đăng đang duy trì hoạt động thông quan bình thường, cửa khẩu chính Chi Ma và cửa khẩu Tân Thanh đã khôi phục trở lại, nhưng năng lực thông quan rất thấp.

Dự báo thời gian tới, phía Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường phòng chống dịch cùng với việc đưa vào các quy định, chính sách mới liên quan đến chất lượng an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhập khẩu nên hoạt động xuất nhập khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Cùng đó, sau Tết Nguyên đán các mặt hàng nông sản phía Nam tiếp tục vào vụ thu hoạch nên tình hình xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp khó, có thể tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là hàng nông sản, hoa quả sẽ tiếp diễn.

Các giải pháp căn cơ

Theo Phó Trưởng Ban kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn Hoàng Khánh Duy, trước tình hình đó, trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả phòng chống dịch tại các khu vực cửa khẩu.

Trong quý 1/2022, tỉnh sẽ hoàn thành việc lắp đặt hệ thống kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh (Việt Nam)-Pò Chài (Trung Quốc) được vận hành với quy mô 4 làn xe xuất nhập khẩu; sớm hoàn thành việc cải tạo, mở rộng tuyến đường xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu song phương Chi Ma thành 4 làn xe xuất nhập khẩu.

Về lâu dài, tỉnh Lạng Sơn xác định đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng và phát triển các dịch vụ, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu vực cửa khẩu; nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù, tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch Khu kinh tế cửa khẩu.

Tỉnh cũng tiếp tục tổ chức hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với Quảng Tây (Trung Quốc) như đề nghị thống nhất xác nhận thời gian làm việc chính thức tại cặp cửa khẩu Chi Ma-Ái Điểm; bổ sung vào phụ lục về vị trí, loại hình, thời gian mở, thời gian làm việc của cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc; thực hiện các thủ tục đưa tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 vào hoạt động chính thức và trở thành lối thông quan thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam)-Hữu Nghị Quan (Trung Quốc); xây dựng cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Việt Nam-Hữu Nghị Quan, Trung Quốc thành cửa khẩu kiểu mẫu.

Lang Son: Phat trien cua khau so trong hoat dong xuat nhap khau hinh anh 2

Xe tập kết chờ xuất khẩu hàng hóa hóa tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. (Ảnh: Thái Thuần/TTXVN)

Cùng đó, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và các lực lượng trực tiếp tại cửa khẩu duy trì, tăng cường trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng phía bạn để thống nhất thúc đẩy phương án nâng cao năng lực thông quan qua các cửa khẩu đang hoạt động và sớm khôi phục hoạt động tại các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu Cốc Nam - một trong những cửa khẩu trọng điểm xuất khẩu nông sản.

Xác định cửa khẩu số có vai trò đầu tàu, thống nhất, dẫn kéo sự phát triển nhanh hơn cho mọi chủ thể tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, tạo thêm dư địa lớn hơn cho môi trường xuất nhập khẩu Lạng Sơn. Do đó, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển cửa khẩu số tại Cửa khẩu quốc tế Hữu nghị và Cửa khẩu Tân Thanh, tạo ra một nền tảng số ứng dụng cho các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh nhằm tự động hóa quy trình, công khai minh bạch, giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu cho người dân, doanh nghiệp.

Tỉnh bổ sung thêm chức năng chống vượt tuyến, xếp lốt để giám sát hoạt động xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu khai báo sử dụng nền tảng cửa khẩu số khi đến cửa khẩu phải thực hiện theo đúng quy trình, tránh trường hợp tiêu cực, vượt tuyến, tạo sự công bằng, minh bạch trong hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, bổ sung chức năng kiểm tra, kiểm soát, khai báo y tế đối với người và phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu tại các chốt kiểm dịch y tế liên ngành; thiết lập "cửa khẩu xanh" để bảo đảm thông quan hàng hóa cho cả nước; các doanh nghiệp bắt buộc phải khai báo 100% trên cửa khẩu số khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại Hữu Nghị, Tân Thanh từ 21/2 tới.

Cùng đó, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ các thương nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa trong việc tìm kiếm đối tác, xây dựng hợp đồng thương mại, thanh toán quốc tế, hỗ trợ pháp lý đối với kinh doanh thương mại quốc tế..., nhằm giảm việc thu mua xuất khẩu nông sản manh mún, thiếu bài bản, không có hợp đồng.

Lạng Sơn cũng tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản xuất, triển khai thực hiện các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại để hạn chế tối đa những rủi ro, thiệt hại trong xuất khẩu hàng hóa.

Theo Ban Quản lý kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn trong năm 2021 đạt khoảng 30,6 tỷ USD; trong đó, mở tờ khai ở tỉnh Lạng Sơn đạt 4.270 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ (xuất khẩu 1.370 triệu USD, tăng 12,3%; nhập khẩu 2.900 triệu USD, tăng 82,4%); tổng thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt trên 8.300 tỷ đồng tăng 130% so với năm 2020./.

Theo Thái Thuần (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/lang-son-phat-trien-cua-khau-so-trong-hoat-dong-xuat-nhap-khau/771360.vnp