Cập nhật: 20/10/2022 09:00:00
Xem cỡ chữ

Chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo là một trong những chủ trương có sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là các hộ dân. Nguồn vốn vay đã kịp thời tiếp sức cho các hộ nghèo có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trước đây gia đình bà Bùi Thị Sâm là một trong những hộ nghèo của ở thôn Khâu, xã Tử Du, huyện Lập Thạch. Được tiếp cận với nguồn vốn vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Huyện Lập Thạch vào năm 2017, bà đã đầu tư mua bò nái và bò thịt. Nhờ chăm chỉ làm ăn, đàn bò của bà cứ thế nhân lên. Có nguồn thu nhập ổn định, bà tiếp tục mở rộng chuồng trại, vay thêm vốn để nuôi thêm lợn nái và lợn thịt.

Không chỉ gia đình bà Khâu, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn xã Tử Du có thêm động lực xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, quyết tâm vươn lên bằng chính sức lao động của mình, để thoát nghèo bền vững.

Tính đến hết 30/9, tổng dư nợ của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Huyện Lập Thạch đạt hơn 518 tỷ đồng, tăng gần 49 tỷ đồng so với đầu năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo hơn 47,6 tỷ đồng; hộ cận nghèo trên 77,5 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 93, tỷ đồng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ giúp hộ nghèo thoát nghèo mà còn trao cho họ cơ hội làm giàu, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội và và xây dựng nông thôn mới của địa phương./.

Phương Liên