Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 với mục đích cụ thể hóa, đưa các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, góp phần cải thiện diện mạo nông thôn, thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.
Từ quan điểm lấy “Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”, bên cạnh việc tiếp tục củng cố, xây dựng các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Vĩnh Phúc chú trọng tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; hướng tới xây dựng nông thôn mới phát triển ổn định, bền vững.
Thực hiện chương trình này, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 100% huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; 30% số thôn được công nhận đạt chuẩn thôn dân cư nông thôn kiểu mẫu.
Theo đó, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chọn điểm các xã, thôn thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho từng tiêu chí, ưu tiên nguồn lực thực hiện. Trong đó, điển hình là việc tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM theo hướng nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn. Khai thác lợi thế của mỗi địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân thực hiện các nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, quán triệt tinh thần “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Khuyến khích người dân chủ động, tích cực đóng góp nguồn lực tham gia xây dựng, đầu tư nâng cấp, bảo trì các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, giảm thiểu sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước các cấp.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ giới hóa trong sản xuất, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn với chương trình xây dựng nông thôn mới; tăng cường kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch trong sử dụng các nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong thời gian tới. Ưu tiên nguồn lực nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đặc biệt, để hỗ trợ các xã đăng ký về đích xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu theo Kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2022 và 2023, tỉnh đã bố trí, cân đối 1.400 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và bố trí 77,9 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp cân đối để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1075/QĐ-UBND ngày 17/5/2023 phân khai chi tiết nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh năm 2023, trong đó phân bổ 719,4 tỷ đồng để hỗ trợ 21 xã thực hiện mục tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu .
Là huyện đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, Yên Lạc đang tích cực triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Quan điểm của huyện, xây dựng nông thôn mới lấy người dân là chủ thể, để triển khai hiệu quả việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" nhằm nâng cao nhận thức đến mọi tầng lớp dân cư. Đặc biệt phát huy vai trò người đứng đầu các cấp ủy, sự tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, phát huy vai trò chủ thể, sáng tạo của người dân việc xây dựng nông thôn mới ở Yên lạc được duy trì hiệu quả.
Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, huyện Yên Lạc huy động, lồng ghép các nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế; tận dụng, nâng cấp các công trình hiện có, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn.
Nhằm nâng cao tiêu chí môi trường, huyện Yên Lạc đầu tư 65 bãi xử lý rác thải, đưa 9 lò đốt rác thải sinh hoạt bằng khí tự nhiên vào hoạt động tại các xã, thị trấn; xây dựng, cải tạo hơn 70 km cống, rãnh thoát nước thải, qua đó đã khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư. Nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; giữ gìn và khôi phục hình ảnh, cảnh quan truyền thống của nông thôn Vĩnh Phúc.
Yên Lạc đã thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn. Huyện chú trọng xây dựng các mô hình trang trại, gia trại sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhiều vùng cho thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/ha.
Có được những kết quả này trước hết từ sự gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khả năng vận dụng linh hoạt chính sách khi áp dụng vào thực tiễn của từng địa phương.
Văn Tiến là 1 trong 3 xã của huyện Yên Lạc đã hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, được huyện lập hồ sơ đề nghị tỉnh thẩm định công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2022. Đảng bộ, chính quyền xã Văn Tiến triển khai thành công xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu là nhờ sự đồng lòng của người dân , sự quyết tâm từ mỗi cán bộ, đảng viên .
Trong quá trình thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tiêu chí về môi trường được các chuyên gia đánh giá là một trong những tiêu chí khó thực hiện để đạt tỷ lệ 100%. Ở Yên Lạc, đây cũng là tiêu chí khó khăn đối với một số địa phương đang xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Và để sớm hoàn thành tiêu chí này, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng nước sạch đối với người dân, linh hoạt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai với nhà đầu tư.
Văn phòng điều phối xây dựng NTM cho biết: đến hết tháng 1/2023, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 67 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, các huyện đang đẩy nhanh tiến độ để đạt chuẩn huyện NTM. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với các huyện hiện nay là tiêu chí nước sạch do Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Theo đó, để đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao thì tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống nước tập trung đạt từ 65% trở lên.
Để giữ vững chuẩn nông thôn mới và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, UBND tỉnh cùng các huyện, thành phố cũng đã đưa ra nhiều giải pháp từng bước tháo gỡ khó khăn về chỉ tiêu, tiêu chí nước sinh hoạt cho người dân nông thôn. Trước những đổi thay tích cực, mà chương trình xây dựng NTM đem lại cho người dân ở khu vực nông thôn, mỗi địa phương cần xác định chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và lâu dài, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM để hướng đến mục tiêu xây dựng NTM bền vững./.
Bích Hằng