Cập nhật: 09/07/2024 21:30:00
Xem cỡ chữ

Vĩnh Phúc vừa bước qua 6 tháng đầu năm 2024, năm có ý nghĩa quyết định để về đích thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tình hình trong nước, trong tỉnh còn có nhiều khó khăn. Nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống trị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt đã có một số chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu kế hoạch năm, qua đó tạo đà để Vĩnh Phúc hoàn thành các mục tiêu 6 tháng cuối năm 2024.

Xung đột Nga - Ukraine, gần đây là Israel- Hamas khiến tiêu dùng và các hoạt động kinh tế suy giảm trên thế giới, ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tác động trực tiếp tới nền kinh tế có độ mở cao như Vĩnh Phúc. Trước khó khăn, thách thức bủa vây, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phân cấp, phân quyền, giao nguồn lực gắn với trách nhiệm; tập trung kiểm tra, giám sát; phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, tỉnh đã đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,26% trong 6 tháng đầu năm 2024, đứng thứ 9/11 tỉnh đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 32/63 tỉnh thành cả nước.

Tăng trưởng ở cả 3 khu vực kinh tế cho thấy dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế, trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng chung của tỉnh với mức tăng 9,1%; tiếp đó là khu vực dịch vụ tăng 6%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,9%, thuế sản phẩm tăng 1,53% so với cùng kỳ năm 2023. Quy mô giá trị gia tăng theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm đạt trên 80,72 nghìn tỷ đồng, tăng 8,53% so với cùng kỳ năm 2023. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 62,15%, khu vực dịch vụ chiếm 30,14% và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 7,71% tổng giá trị tăng thêm.

Xác định hoạt động của doanh nghiệp là chỉ số quan trọng phản ánh sức khỏe nền kinh tế, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, chính là yếu tố quyết định để phục hồi tăng trưởng, các cấp, các ngành đã kịp thời đối thoại với các doanh nghiệp, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong tìm kiếm, mở rộng thị trường; hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bình ổn giá, đảm bảo các chuỗi cung ứng giúp các doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng sản xuất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Diễn biến khó lường của kinh tế thế giới và khó khăn nội tại nền kinh tế, tác động đến tiêu dùng, sức mua giảm khiến ngành công nghiệp chủ lực là sản xuất ô tô, xe máy đều sụt giảm sản lượng và doanh số, ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách của tỉnh. Tổng thu ngân sách của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt trên 15.535 tỷ đồng, bằng 48,9% dự toán, tăng 3,8% so với cùng kỳ, trong đó, thu nội địa ước đạt 13.235 tỷ đồng, bằng 50,2% dự toán và tăng 5,9% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh khó khăn, thu hút đầu tư là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội, khẳng định Vĩnh Phúc vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thu hút vốn đầu tư FDI 6 tháng đầu năm đạt kết quả cao với tổng số vốn đạt 435,8 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ và vượt mục tiêu kế hoạch cả năm. Thu hút vốn đầu tư DDI đạt trên 2.380 tỷ đồng, đạt 43,3% kế hoạch năm 2024.

Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Các chỉ số thành phần thuộc chỉ số PCI được giao cụ thể cho các ngành, lĩnh vực, địa phương chịu trách nhiệm để nâng cao thực hiện. Hệ thống đường dây nóng tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân với chính quyền tỉnh tiếp tục được duy trì. Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được chuyển đến cơ quan nhà nước tiếp nhận và kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021- 2030, Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030 và giao các nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện.

Giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công được triển khai quyết liệt, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ phân bổ, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, trong đó vốn kế hoạch năm 2024 được giao ngay từ cuối năm 2023; tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thường xuyên chỉ đạo tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công của các dự án trọng điểm; chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, các Ban quản lý dự án và các chủ đầu tư tăng cường giám sát, đánh giá đầu tư để kịp thời phát hiện các tồn tại, hạn chế, giải quyết các vấn đề vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công toàn tỉnh 6 tháng đầu năm đạt trên 2.700 tỷ đồng, bằng 35,2% kế hoạch năm, cao hơn bình quân chung của cả nước, đây là yếu tố quan trọng tạo đà cho tăng trưởng của tỉnh.

Lĩnh vực dịch vụ, du lịch của tỉnh tiếp tục có nhiều khởi sắc. Số lượt khách du lịch, doanh thu du lịch tăng khá so với cùng kỳ, trong đó khách du lịch đạt 5,89 triệu lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch đạt 2,28 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trấn Tam Đảo tiếp tục duy trì là điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và thế giới. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại ổn định, không có biến động lớn về mức giá, sản phẩm đa dạng, chủng loại và mẫu mã phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Hoạt động tín dụng tăng trưởng và đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Công tác lập và quản lý quy hoạch tiếp tục được chú trọng, sáu tháng đầu năm 2024 tỉnh đã chỉ đạo hoàn thành, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các quy hoạch xây dựng; các chương trình, kế hoạch về phát triển đô thị được tập trung triển khai, trong đó đã hoàn thiện trình HĐND tỉnh thông qua chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh lần 2), góp phần từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dưng nông thôn mới được quyết liệt triển khai, UBND tỉnh đã xem xét công nhận cho 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 04/09 huyện, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 34 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu, 177 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 06 thôn đạt chuẩn nông thôn mới thông minh. Đặc biệt, tỉnh đã xét công nhận và đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thẩm định, xét công nhận huyện Yên Lạc đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc.

Lĩnh vực văn hóa tiếp tục có bước phát triển; các phong tục, giá trị, nét đẹp văn hóa được gìn giữ phát huy hiệu quả; các di tích lịch sử văn hóa được quan tâm tu bổ. Phong trào tập luyện và thi đấu các môn thể thao ngày càng phát triển rộng khắp, thu hút được số lượng lớn quần chúng nhân dân, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng đời sống văn hóa tinh thần, tăng cường sức khoẻ của nhân dân. Tỉnh đã tổ chức thành công 03 giải thể thao quần chúng, đăng cai giải vô địch các câu lạc bộ vật cổ điển, vật tự do quốc gia năm 2024. Thể thao thành tích cao được chú trọng, 6 tháng đầu năm, vận động viên các đội thể thao của tỉnh đã tham gia thi đấu 16 giải thể thao quốc gia, quốc tế với thành tích đạt được 82 huy chương các loại, trong đó có 24 huy chương vàng, 18 huy chương bạc và 40 huy chương đồng.

Sự nghiệp giáo dục đào tạo được quan tâm, cơ sở vật chất được đầu tư ở các cấp học, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn của tỉnh năm học 2023-2024 tiếp tục được nâng lên, trong đó toàn tỉnh có 89 em học sinh đạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT, có 707 em học sinh đạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9, có 1.492 em học sinh đạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 10 và 1.408 em học sinh đạt giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 11. Tổ chức tốt các kỳ thi đầu cấp THCS, THPT; thi tốt nghiệp THPT. Phong trào khuyến học, khuyến tài được nhân rộng; văn hóa đọc được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong Nhân dân.

Công tác y tế được quan tâm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị các đơn vị được đầu tư, công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh tiếp tục được chú trọng. Các bệnh viện đã và đang triển khai đầy đủ các quy chế chuyên môn, chuẩn hóa các quy trình quản lý, quy trình kỹ thuật, thực hiện liên thông kết quả khám chữa bệnh trên hệ thống HIS và triển khai khám chữa bệnh từ xa Vtelehealth. Tiếp tục triển khai một số kỹ thuật mới, hiện đại giúp người bệnh được thụ hưởng dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại tuyến tỉnh. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và hoàn thiện, các hoạt động y tế dự phòng và các chương trình mục tiêu được triển khai có hiệu quả. Trong khám, chữa bệnh đã áp dụng các kỹ thuật chuyên môn sâu theo phân tuyến quy định, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của Nhân dân.

Đặt người dân vào vị trí trung tâm, song song với phát triển kinh tế, tỉnh đặc biệt quan tâm các chính sách an sinh xã hội. Sáu tháng đầu năm, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 13.700 lao động, đạt 81% kế hoạch năm 2024, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023. Các chính sách về giảm nghèo bền vững, chính sách đối với người có công với cách mạng tiếp tục được quan tâm, thực hiện đầy đủ. Công tác phát triển các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế được triển khai tốt, 6 tháng đầu năm đã có thêm 29.897 người tham gia bảo hiểm. Tính đến hết tháng 6, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 44,04% lực lượng lao động, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 94,62%, tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm 36,4% lực lượng lao động. Các chinh sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai hiệu quả qua đó đã cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc và nhân dân vùng miền núi.

Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, tiếp dân giải quyết khiếu nại tố cáo, công tác nội vụ được tăng cường, hiệu lực, hiệu quả. Bộ máy các cơ quan Nhà nước của tỉnh tiếp tục được sắp xếp tổ chức tinh gọn. Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 được tập trung chỉ đạo triển khai, đến nay đã hoàn thành được HĐND tỉnh thông qua, trình Bộ Nội vụ tổ chức thẩm định và đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ.

Lĩnh vực quốc phòng, an ninh được chú trọng, lực lượng vũ trang tỉnh thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn kiện tác chiến, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu và tích cực luyện tập các phương án nâng cao khả năng, sức chiến đấu. Tỉnh đã hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân, đảm bảo về số lượng, chất lượng; hoàn thành tốt các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ, phòng cháy, chữa cháy, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Lực lượng công an đã chủ động triển khai các phương án nắm tình hình và xử lý tốt các vấn đề phát sinh. Công tác phòng cháy, chữa cháy được tăng cường, trong đó trọng tâm thực hiện tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ và kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai sâu rộng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Sáu tháng cuối năm 2024, dự báo tình hình kinh tế thế giới vẫn có diễn biến khó lường. Kinh tế Vĩnh Phúc với độ mở lớn, khu vực FDI chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu GRDP nên sẽ chịu tác động mạnh từ kinh tế thế giới. Nhiệm vụ đặt ra hết sức khó khăn, đòi hỏi các cấp, các ngành tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp, trong đó, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân mở rộng sản xuất; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công tạo động lực tăng trưởng, sẽ là những chìa khóa để trong thách thức tìm kiếm được cơ hội cho tăng trưởng, phát triển của Vĩnh Phúc trong năm 2024.

Hoàn thành chỉ tiêu của 6 tháng còn lại không chỉ có ý nghĩa để hoàn thành mục tiêu cả năm 2024 mà còn có ý nghĩa quan trọng cho việc thực hiện hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Khó khăn không lùi bước, với tinh thần quyết tâm vượt khó, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực sẽ giúp kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc tăng trưởng và phát triển đạt các mục tiêu đề ra./

Văn Hải