Nhận thức được vai trò của việc liên doanh, liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục thành lập Hợp tác xã, tổ hợp tác cho nhóm hội viên có cùng mục tiêu là sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hữu cơ. Đặc biệt, Hội đã quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện, nguồn lực cho các HTX phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều này không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn khẳng định vai trò, vị thế, bản lĩnh của người phụ nữ trong xã hội.
Năm 2014, mô hình trồng lúa thảo dược được Hội Nông dân huyện Lập Thạch bắt đầu triển khai thí điểm. Mặc dù kết quả triển khai thí điểm khá thành công, song mô hình lại khó nhân rộng. Lúa thảo dược có nguồn gốc từ Ấn Độ, có đặc điểm bông có màu tím đậm, hạt lúa có màu tím hồng. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, gạo thảo dược có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu vi chất, vi lượng, chất béo thực vật và các vitamin A, B, lipít, canxi, kẽm, sắt, chất xơ, Omega 6, Omega 9, oryzanol,… có tác dụng bổ máu, phòng chống ung thư, chống loãng xương và rất tốt cho tim mạch. Đặc biệt, gạo thảo dược giúp ổn định đường huyết nên có thể chế biến làm thuốc. Không chỉ vậy, thân cây lúa thảo dược có chứa Omega 3, 6, 9 với hàm lượng cao nên sau khi thu hoạch, bà con có thể tận dụng rơm làm trà thảo dược.
Với mong muốn mang đến cho hội viên phụ nữ các giống lúa mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao để đưa vào sản xuất, Hội Phụ nữ huyện Lập Thạch đã đồng hành cùng với Hội Phụ nữ Đồng Ích triển khai thí điểm gần 1ha lúa thảo dược. Tuy nhiên, trong năm đó do mưa lớn kéo dài, cánh đồng lúa thảo dược của hội viên phụ nữ đã bị ngập và mất trắng. Không nản lòng, những năm tiếp theo các hội viên vẫn tiếp tục gieo cấy và thành công trên mong đợi. Đặc biệt khi thôn Hoàng Chung bắt tay xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu thì giống lúa thảo dược được lựa chọn là hướng phát triển kinh tế chủ lực. Dưới sự đồng hành và giúp đỡ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, vào đầu năm 2024, Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Hoàng Chung được ra đời . Các xã viên được tập huấn đầy đủ về luật HTX, cách vận hành và đưa sản phẩm ra thị trường.
Với mặt hàng chủ lực là các sản phẩm từ lúa thảo dược, HTX đã cho ra đời các dòng sản phẩm như gạo thảo dược, trà thảo dược. Phần rơm, dạ của cây lúa sau khi thu hoạch được trồng thành nấm và một phần còn lại làm thức ăn dinh dưỡng cho đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, HTX cũng phát huy tiềm năng là một địa phương có món ăn đặc sản là cá thính nên đây cũng là một mặt hàng nhận được sự ủng hộ rất cao của khách hàng.
Không chỉ tư vấn, đồng hành cùng với HTX nông nghiệp Hoàng Chung, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh còn thường xuyên tạo điều kiện quảng bá các sản phẩm của HTX ra thị trường. Thông qua các hội nghị, triển lãm để giúp cho các sản phẩm từ lúa, gạo thảo dược được nhiều khách hàng biết đến.
Theo Kế hoạch của Hội LHPN tỉnh thực hiện Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” mỗi năm ít nhất hỗ trợ thành lập mới 1 HTX. Nỗ lực cho mục tiêu này, các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp do nữ làm chủ sẽ tiếp tục được tổ chức hội đẩy mạnh. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động như: hội nghị tập huấn nâng cao năng lực về kỹ năng lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, quản lý tài chính cho các doanh nghiệp, HTX; tập huấn xây dựng kế hoạch sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị, sản phẩm OCOP gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, marketing, online…; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên, doanh nghiệp, HTX; hỗ trợ hội viên, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp thành lập mới HTX, doanh nghiệp; tổ chức phát động cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp lần thứ II trên địa bàn tỉnh…Đến nay, các cấp hội đã xây dựng được 6 hợp tác xã, 34 mô hình tổ hợp tác.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện, thành phố tuyên truyền về vị trí, vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế tại cơ sở; đồng thời, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm hàng hóa của địa phương, đặc biệt là của hội viên, phụ nữ mới khởi nghiệp, các HTX, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ, trọng tâm là những sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ, được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Cùng với đó tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ kinh doanh, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp thành lập doanh nghiệp hoặc HTX; thường xuyên quan tâm, theo dõi các HTX, tổ hợp tác do nữ làm quản lý được Hội hỗ trợ thành lập để có các hình thức hỗ trợ, duy trì và phát triển bền vững.
Với các chính sách khuyến khích, sự quan tâm, động viên kịp thời của Hội Liên hiệp Phụ nữ Vĩnh Phúc là động lực lớn để các chị em phụ nữ mạnh dạn hơn trong phát triển kinh tế; tiên phong tham gia sản xuất, kinh doanh với nhiều mặt hàng kinh tế mới. Đặc biệt các chị em đã trực tiếp tham gia quản lý, điều hành tốt các mô hình kinh tế tập thể, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên và người lao động trong HTX. Đồng thời phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo. Đến nay, HTX do phụ nữ làm chủ hoạt động hiệu quả, khẳng định hướng đi đúng trong việc thu hút, tập hợp lực lượng lao động nữ tham gia vào khu vực kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Thùy Chung