Cập nhật: 31/08/2019 08:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lê Lợi sinh ngày 10/9/1385 Ất Sửu tại Lam Sơn - Kẻ Cham (nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), trong một gia đình "đời đời làm hào trưởng ". Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Hoàng Lê Ngọc Phả” ghi rằng “Lê Lợi là một người thiên tư tuấn tú khác thường, tinh thần và dáng người tinh anh mạnh mẽ, mắt sáng miệng rộng, mũi cao, mặt có nốt ruồi, đi như rồng, bước như hổ, kẻ thức giả đều biết là người phi thường”. Khi cha mất, Lê Lợi nối nghiệp cha làm chúa trại Lam Sơn.

Năm 1407, nhà Minh tập trung 80 vạn quân xâm chiếm nước ta, sau khi chiếm được Đông Đô, nhà Minh đổi tên nước ta thành quận Giao Chỉ, lập nên chính quyền theo mô hình “chính quốc” và đặt quan cai trị, đổi Đông Đô thành Đông Quan; khi ấy Lê Lợi vừa tròn 21 tuổi.

Trước cảnh nước mất, nhân dân lầm than, Lê Lợi đã dốc hết tài sản để chiêu tập nghĩa sĩ, bí mật liên lạc với các hào kiệt, xây dựng lực lượng và chọn Lam Sơn làm căn cứ địa cho cuộc khởi nghĩa.

Đầu năm 1416, Lê Lợi cùng với 18 người bạn thân thiết lập nên hội Thề Lũng Nhai nổi tiếng trong lịch sử, cùng nhau định ngày dựng cờ khởi nghĩa. Năm 1418, từ miền rừng núi Lam Sơn, Lê Lợi xưng là “Bình Định Vương” truyền hịch đi khắp nơi kêu gọi nhân dân đứng lên giết giặc, cứu nước. Với tài mưu lược của người thủ lĩnh và bộ chỉ huy nghĩa quân, cùng ý chí đồng lòng, đồng sức của nhân dân, cuộc kháng chiến trường kỳ, trải qua hàng chục năm “nếm mật nằm gai” đã hoàn toàn thắng lợi.

Với chiến thắng Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng, Xương Giang oanh liệt, nghĩa quân Lam Sơn đã dồn giặc vào thế phải đầu hàng. Hội thề Đông Quan được tổ chức vào ngày 22 tháng 11 năm Đinh Mùi 1427, Vương Thông cam kết rút hết quân về nước bắt đầu từ ngày 12 tháng 12 năm Đinh Mùi. Bình Định Vương tha cho 20.000 tù binh; cấp 500 chiếc thuyền cho thuỷ quân về bằng đường biển; cấp vài ngàn xe ngựa và đủ lương thực cho đoàn lính bộ về bằng đường bộ. Ngày 17 tháng Chạp năm Đinh Mùi (ngày 3/1/1428), đội bộ binh cuối cùng của Vương Thông lên đường về nước. Thành Đông Quan được giải phóng.

Nếu Ngô Quyền với chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938 đã chấm dứt thời kỳ 1.000 năm mất nước, mở đầu thời kỳ độc lập mới của dân tộc thì Lê Lợi với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, kết thúc 20 năm thống trị của giặc Minh, khôi phục nền độc lập, tự chủ lâu dài cho đất nước. Tên tuổi của ông và thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn gắn liền với tên tuổi của nhiều anh hùng giải phóng dân tộc khác như: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn...

Sách“Đại việt sử ký toàn thư - kỷ nhà Lê” có ghi lại “Mùa hạ tháng Tư năm 1428, vua từ điện Tranh ở Bồ Đề vào đóng ở thành Đông Kinh. Ngày rằm vua lên ngôi ở Đông Kinh, đại xá, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, dựng quốc hiệu Đại Việt, đóng đô ở Đông Kinh” (Đông Kinh tức là thành Thăng Long, vì Thanh Hoá có Tây Đô cho nên gọi thành Thăng Long là Đông Kinh).

“Đại Việt sử ký toàn thư” cũng đã viết: “... Suốt đời, Vua chỉ biết lấy mềm dẻo để chống cứng rắn, lấy sức yếu để chống giặc mạnh, lấy quân ít để thắng kẻ thù đông, không quá hao tổn xương máu mà vẫn khuất phục được đối phương. Cho nên, Vua đã chuyển vận bĩ sang vận thái, biến thế nguy thành sự yên, đổi thời loạn thành thời thái bình"....“Vua nhiệt tình, hăng hái dấy nghĩa quân đánh dẹp giặc Minh. Sau 10 năm thì thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, đã ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu nhập sách vở, mở mang trường học, có thể gọi là có mưu kế xa rộng mở mang cơ nghiệp. Song đa nghi, hiếu sát, đó là chỗ kém...”.

Lê Lợi ở ngôi được 5 năm và mất năm 1433, an táng tại Vĩnh Lăng, Lam Sơn, miếu hiệu là Thái Tổ.

Để tưởng nhớ công lao to lớn của anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi, nhân dân khắp nơi đã lập đền thờ ông, đời đời hương khói. Nhiều ngôi trường, con đường, tuyến phố... trong cả nước đã vinh dự được mang tên ông.

Điểm đầu của đường Lê Lợi là nơi giao cắt với Quốc lộ 2B, mặt bên tiếp giáp với đường Hà Huy Tập, điểm cuối tiếp giáp với đường Phạm Văn Đồng và giao cắt với đường Hùng Vương.

Đường Lê Lợi là một trong những con đường gắn liền với lịch sử 120 năm đô thị Vĩnh Yên. Trước kia, đường Lê Lợi được nhân dân trên địa bàn quen gọi là khu phố cũ, với mật độ dân cư vô cùng thưa thớt và chủ yếu sống bằng công việc lao động tự do... Đến năm 1960, khi một số cơ quan của tỉnh Vĩnh Phúc từ Phúc Yên chuyển về như: Ty Công an, ty Thủy lợi, các cửa hàng thương nghiệp, Xí nghiệp bánh kẹo... con đường này đã dần dần được mở mang và phát triển... Tuy nhiên, phải đến khi tách tỉnh năm 1997, đường Lê Lợi cùng nhiều con đường mang tên các vị danh nhân, anh hùng giải phóng dân tộc trên địa bàn phường Tích Sơn nói riêng, thành phố Vĩnh Yên nói chung đã được quy hoạch, đầu tư, cải tạo, xây dựng mới. Đến nay, sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, đường Lê Lợi đã trở thành một tuyến đường kiểu mẫu, khang trang, hiện đại, văn minh, đáp ứng tốt nhất quy hoạch chiến lược phát triển đô thị Vĩnh Yên nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.

Dạo bước trên con đường này, ngay từ điểm đầu tiên chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng 1 vườn hoa - được ví như một công viên thu nhỏ của thành phố. Nơi đây với rất nhiều loài cây, hoa, cỏ, với những lối đi nhỏ được tạo hình rất nghệ thuật... nhằm đem đến cho người dân và du khách những phút giây thoải, để cảm nhận không khí trong lành và vẻ đẹp vốn có của thành phố Vĩnh Yên xanh, thơ mộng, hữu tình... 

Tọa lạc trên con đường này, có trụ sở làm việc của Thành ủy, HĐND, UBND, Ban chỉ huy quân sự, Trung tâm Y tế, Đài PT-TH thành phố...

Hiện nay, trên tuyến đường Lê Lợi có một số doanh nghiệp và trên 100 hộ dân sinh sống, làm ăn buôn bán với nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ đa dạng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.     

Nói sao cho hết một đường phố ta yêu - con đường mang tên người anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi - người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi kẻ thù xâm lược, đem lại độc lập, tự do, nền quốc thống, quốc thể cho đất nước...

Hôm nay đi trên con đường mang tên người anh hùng Lê Lợi, dưới những bóng cây cổ thụ tỏa bóng mát xum xuê, quá khứ của một thời Vĩnh Yên gian khó như bất chợt hiện về như nhắc nhớ tới toàn thể đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh: hãy luôn đoàn kết, chung sức, chung lòng, phát huy truyền thống lịch sử của cha ông, vững bước đi lên.

Thành phố Vĩnh Yên hôm nay đang từng ngày “thay da, đổi thịt”. Con đường xưa và đường mang tên Lê Lợi nay, vẫn mãi là một minh chứng về sức sống của thành phố trẻ Vĩnh Yên đang không ngừng đổi mới, phát triển; góp phần xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

Vũ Anh

 

Tệp đính kèm