Cập nhật: 01/10/2019 16:43:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lý Tự Trọng (1914 - 1931), tên thật là Lê Hữu Trọng, con trai cụ Lê Khoan, Nguyễn Thị Sờm, quê gốc ở làng Việt Xuyên - huyện Thạch Hà - tỉnh Hà Tĩnh. Do không chịu nổi cảnh áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến, bố mẹ anh đã rời quê hương sang Thái Lan sinh sống và tham gia các hoạt động yêu nước. Tại đây, gia đình anh trở thành một trong những cơ sở cách mạng và là trường quốc ngữ của Hội Việt kiều.

Lớn lên, Lê Hữu Trọng được gia đình cho đi học tại ngôi trường trong Trại Cày do cụ Đặng Thúc Hứa - một sỹ phu yêu nước tổ chức dạy văn hóa. Vốn có tư chất thông minh, lại tiếp thu nhanh, đặc biệt anh thuộc và say mê văn thơ yêu nước. Sau đó anh cùng một số thanh niên khác được gia đình đưa vào học tại “Hoa Anh học hiệu” - một ngôi trường chuyên dạy tiếng Trung và tiếng Anh.

Năm 1926, thực hiện ý kiến của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Hồ Tùng Mậu - thành viên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội đến Thái Lan gặp cụ Đặng Thúc Hứa, truyền đạt yêu cầu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc về việc chọn một số con em gia đình Việt kiều yêu nước đưa sang Quảng Châu đào tạo lâu dài để chuẩn bị xây dựng tổ chức Thanh niên Cộng sản ở Việt Nam. Lê Hữu Trọng là một trong số các thiếu niên được lựa chọn.

Đến Quảng Châu, nhóm thiếu niên này được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (lúc này mang tên Lý Thụy). Để đảm bảo bí mật, các thiếu niên đều mang họ Lý coi như người trong một gia tộc, do đó Lê Hữu Trọng đổi tên Lý Tự Trọng. Sau Đại hội đại biểu toàn quốc của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội tháng 5/1929, Lý Tự Trọng được đoàn thể cho về nước tham gia công tác vận động thanh niên để tiến tới thành lập đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Và anh là người đầu tiên được giao nhiệm vụ xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản đầu tiên ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương Đảng, đồng thời được giao nhiệm vụ đặc biệt: vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản trong nước.

Nhân dịp kỷ niệm 1 năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định tổ chức một đợt tuyên truyền tố cáo tội ác của thực dân Pháp và kêu gọi quần chúng đấu tranh. Ngày 8/2/1931, các chiến sỹ cách mạng tổ chức một cuộc mít-tinh chớp nhoáng, cờ đỏ búa liềm giương cao, một đồng chí đứng lên diễn thuyết kêu gọi quần chúng đánh đổ thực dân Pháp. Giữa lúc ấy thanh tra mật thám Pháp Le Grand và cảnh sát ập tới. Lý Tự Trọng đã rút súng bắn chết tên thanh tra mật thám cứu thoát đồng chí diễn thuyết và bị địch bắt, tra tấn dã man. Sau một thời gian không khai thác được gì ở anh, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương đã mở một phiên tòa đại hình để xử một chiến sĩ cộng sản Việt Nam chưa đầy 18 tuổi. Lý Tự Trọng đã bị kết án tử hình.

Đứng trước cái chết, Lý Tự Trọng không hề run sợ, anh chủ động biến phiên tòa của đế quốc thành một diễn đàn của người chiến sĩ cộng sản. Khi luật sư bào chữa xin bọn thực dân “mở lượng khoan hồng” vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành và “hành động thiếu suy nghĩ”, anh đã gạt phắt đi và dõng dạc nói: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”.

Ý chí và hành động của anh là minh chứng hùng hồn về bản lĩnh kiên cường, lòng trung thành, tinh thần bất khuất của người cộng sản, đồng thời là bức thông điệp báo trước sự sụp đổ của thực dân phong kiến và sự tất thắng của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thực dân Pháp không dám xử công khai Lý Tự Trọng, lợi dụng lúc nửa đêm về sáng ngày 21/11/1931, chúng đã hèn hạ dựng máy chém ở ngay khám lớn Sài Gòn hòng giết anh trong im lặng, nhưng tấm gương đấu tranh kiên cường, bất khuất và những tiếng hô của anh trước lúc hy sinh: “Đả đảo thực dân Pháp”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”, “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm”... đã cổ vũ mạnh mẽ, tạo một làn sóng phản đối tội ác của thực dân Pháp. Tinh thần cách mạng bất khuất của Lý Tự Trọng đã làm cho kẻ thù khiếp sợ và đã động viên, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong cả nước lúc bấy giờ và là tấm gương cho các thế hệ thanh niên noi theo.

Biết ơn sự hy sinh cao cả của Lý Tự Trọng, nhiều con đường, tuyến phố, ngôi trường, tượng đài ở khắp nơi trên cả nước, trong đó có Vĩnh Phúc đã được mang tên anh.

Đường Lý Tự Trọng có độ dài khoảng gần 1km thuộc địa phận của 2 phường: Ngô Quyền và Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên. Điểm đầu giao cắt với đường Lý Bôn (phía trước trụ sở Bảo Tàng tỉnh); điểm cuối giao với đường Đầm Vạc.

Theo lịch sử Vĩnh Yên và một số người dân từng sinh sống nhiều đời ở đây kể lại: Con đường này đã được hình thành từ xa xưa vào khoảng thập niên 70 của thế kỷ XX.

Từ thời Pháp thuộc con đường được người dân quen gọi là đường Xóm Đạo. Tuy có độ dài rất ngắn, nhưng con đường này có vị trí  rất quan trọng đã từng là nơi đóng chân của nhiều cơ quan, ban ngành đầu não của tỉnh Vĩnh Phúc trước kia như: Sở Tài chính, tòa án, Viện kiểm sát, thư viện tỉnh, Khu nhà ăn liên cơ, khu triển lãm tỉnh, khu nhà ở công nhân nhà máy Dệt Nam Định (thời kỳ sơ tán), khu nhà thương của Pháp...

Điều đặc biệt hơn so với những con đường khác đó là người dân ngụ cư ở đây chủ yếu là từ những nơi khác đến công tác, làm ăn và sinh sống như: Hưng Yên, Hà Nam... trong đó có những gia đình, dòng họ đã ở đây từ nhiều đời. Hiện nay, có trên 100 hộ dân, chủ yếu là cán bộ, công chức, viên, lực lượng vũ trang đang làm việc và đã nghỉ hưu sinh sống trên con đường này. Tất cả họ luôn đồng sức, đồng lòng để cùng nhau xây dựng con đường, tuyến phố, xây dựng đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Một điều đặc biệt khác trên con đường mang tên Lý Tự Trọng đó là suốt chiều dài của con đường này dường như được toàn bộ Hồ Đầm Chúa bao bọc, trở che. Theo người dân ở đây cho biết thì sở dĩ có tên Hồ Đầm Chúa, là vì hồ trước mặt Đền Chúa nên gọi là Hồ Đầm Chúa (còn trước đó người dân cũng thường gọi là đầm Lò Gạch).

“Đền Chúa An Dương Linh Từ” là một điểm đến tâm linh không thể thiếu mỗi khi du khách có dịp đi qua con đường mang tên người anh hùng Lý Tự Trọng. Theo lịch sử của ngôi đền cho thấy, năm Giáp Ngọ niên 1904 sau 5 năm thành lập tỉnh Vĩnh Yên, nhân dân đã xin phép chính quyền đương thời do tuần phủ người Việt Nam là Nguyễn Trọng Tấn duyệt cho phép dân phố Dinh xây đền thờ vọng Ngọc Dung Công Chúa.

Hàng năm vào những ngày tuần, ngày kỷ niệm như tháng 3, tháng 8 âm lịch, bà con địa phương và du khách thập phương lại dâng hương tỏ lòng thành kính, cầu cho quốc thái, dân an, nhiều tài, nhiều lộc cho nhân dân nói chung và khu phố nói riêng. Mặc dù trải qua nhiêu thăng trầm của lịch sử, nhưng ngôi đền hôm nay vẫn được nhân dân gìn giữ, tu bổ, để xứng đáng là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh không thể thiếu của người dân trong và ngoài khu vực.

Với những ai dù chỉ lần đầu dạo bước qua con đường mang tên Lý Tự Trọng đều có chung cảm nhận đó là: một con đường vô cùng thơ mộng với những hàng cây xanh tỏa bóng chạy dọc theo chiều dài của hồ Đầm Chúa, để rồi từng con sóng, cơn gió nơi mặt hồ ngày ngày đem theo hơi mát dịu ngọt ùa về. Tất cả đã tạo cho người dân sinh sống trên con đường này cũng như du khách một cảm giác vô cùng thoải mái, gần gũi với thiên nhiên.

Hôm nay, đi trên con đường Lý Tự Trọng, dưới những bóng cây tỏa bóng mát xum xuê, quá khứ của một thời Vĩnh Yên gian khó như bất chợt hiện về để nhắc nhớ chúng ta hãy luôn đoàn kết, chung sức, chung lòng, phát huy truyền thống lịch sử của cha ông, góp phần dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Vũ Anh

Tệp đính kèm