Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi: Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi (sinh vào ngày mồng 1/8 năm Giáp Tuất - năm 14 sau công nguyên), là con gái của Lạc tướng vùng Mê Linh. Mẹ là bà Man Thiện (cháu ngoại Hùng Vương). Hai Bà mồ côi cha sớm nhưng được mẹ quan tâm nuôi nấng, dạy cho nghề trồng dâu, nuôi tằm, dạy con lòng yêu nước, rèn luyện sức khoẻ, rèn luyện võ nghệ. Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách - con trai lạc tướng Chu Diên. Lãnh thổ Mê Linh và Chu Diên liền cõi, hai gia đình lạc tướng là thông gia, khiến thanh thế càng thêm mạnh, uy danh càng thêm lớn.
Dưới sự cai trị tàn bạo của nhà Đông Hán, nhân dân vô cùng căm phẫn. Sau khu Thái thú Tô Định hèn hạ giết ông Thi Sách, tháng 3 năm Canh Tý (năm 40), Trưng Trắc cùng với em gái là Trưng Nhị đứng lên dựng cờ khởi nghĩa. Trong “Thiên Nam ngũ lục” có ghi, trước khi xuất binh, Hai Bà Trưng đã đọc lời thề: "Một xin rửa sạch nước thù. Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng. Ba kêu oan ức lòng chồng. Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này". Đề cập đến sự kiện này, lịch sử nước ta còn ghi rất rõ: ''... Trưng Vương là dòng dõi Hùng Vương, chị em đều có tướng dũng lược, căm giận Tô Định chính lệnh hà khắc tàn ngược tụ họp người các bộ, hăng hái dấy đội quân hùng mạnh, lừng lẫy uy danh, quận huyện hưởng ứng, cho nên lấy được 65 thành ở Lĩnh Ngoại, thu lại hết đất cũ Nam Việt, cũng là bậc hào kiệt trong nữ lưu...".
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được nhân dân khắp nơi ủng hộ, tạo thành sức mạnh như vũ bão, đánh đuổi Tô Định phải bỏ chạy về nước. Dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, nhiều cuộc khởi nghĩa địa phương được thống nhất thành một phong trào rộng lớn từ miền xuôi đến miền núi, bao gồm cả người Việt và các dân tộc khác trong nước Âu Lạc cũ.
Chỉ trong vòng 2 tháng, nghĩa quân Hai Bà Trưng giải phóng toàn bộ đất nước, giành chủ quyền về tay dân tộc. Mùa hè năm Canh Tý (năm 40), Bà Trưng Trắc được tôn lên làm vua, hiệu là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh. Bà Trưng Nhị được phong là “Bình khôi Công chúa”. Các tướng sĩ khác đều được phong thưởng chức tước, tiền bạc, ruộng đất. Dân cả nước được xá thuế hai năm liền, “Đô kỳ đóng cõi Mê Linh. Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta".
Ngày 30 tháng 1 năm Tân Sửu (năm 41), nhà Hán sai Mã Viện đem quân sang xâm lược nước ta một lần nữa. Vì tương quan lực lượng quá chênh lệch, nên nghĩa quân dần thất thế, Hai Bà Trưng phải lui về giữ thành Mê Linh. Sau nhiều trận đánh quyết liệt, quân Hai Bà giữ thành đến tháng 5 năm 43 thì thất thủ. Để bảo toàn khí tiết, Hai Bà đã nhảy xuống sông Hát (Hát Môn - Hà Tây cũ) tuẫn tiết. Hai Bà Trưng tuy không còn nhưng ở nhiều nơi, nghĩa quân và nhân dân vẫn tiếp tục đứng lên chống giặc. Phải đến tháng 11 năm 43, sau gần 20 tháng chiến đấu, cuộc kháng chiến chống giặc Hán của nhân dân ta mới tạm chấm dứt.
Mặc dù không giành được thắng lợi cuối cùng nhưng khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã trở thành ngọn cờ giải phóng dân tộc đầu tiên, mở đầu cho truyền thống đấu tranh chống các thế lực phương Bắc; là tấm gương sáng ngời để các bậc anh hùng hào kiệt dân tộc kế tiếp nhau đứng lên đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập chủ quyền. Hai Bà Trưng là biểu tượng của ý chí hiên ngang và khí phách quật cường của dân tộc ta; thể hiện truyền thống yêu nước nồng nàn của phụ nữ Việt Nam “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.
Sử gia Lê Văn Hưu đã nhận xét: "Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng. Việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, đủ biết tình thế đất Việt ta có thể dựng được nghiệp bá vương".
Sau khi Hai Bà Trưng mất, tưởng nhớ công ơn của các liệt nữ anh hùng, nhân dân nhiều địa phương đã lập đền, miếu thờ phụng Hai Bà và các tướng lĩnh của Hai Bà. Nhiều con đường, tuyến phố, trường học trong cả nước đã vinh dự được mang tên Hai Bà.
Đường Trưng Trắc có độ dài khoảng gần 1 km thuộc địa bàn Phường Trưng Trắc. Điểm đầu nối với đường Trần Hưng Đạo - nơi có trụ sở Thành ủy, UBND và 1 số cơ quan hành chính của thành phố, đồng thời điểm giao cắt này cũng chính là trung tâm của thành phố Phúc Yên; giao cắt với đường Trưng Nhị, đường Chu Văn An, đường Sóc Sơn. Điểm cuối giao cắt với tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai chạy qua, nối với đường Trần Phú. Cùng với các con đường: Trưng Nhị, Trần Hưng Đạo, Sóc Sơn, Trần Phú... đường Trưng Trắc được coi là một trong những con đường có lịch sử lâu đời nhất cùng với sự hình thành của thị xã Phúc Yên xưa. Đây cũng là những tuyến đường huyết mạch, có vị trí quan trọng trong quy hoạch đô thị cũng như phát triển kinh, xã hội của thành phố trẻ Phúc Yên - thành phố hướng mặt trời cả trong hiện tại và tương lai...
Hiện sinh sống trên đường Trưng Trắc có 4 tổ dân phố, với trên 1.000 hộ dân, trong đó bao gồm: người Phúc Yên gốc và những người con của nhiều vùng, miền khác trên cả nước hội tụ về đây sinh sống, lập nghiệp từ lâu đời... Hơn 70% trong số đó là các hộ làm ăn kinh doanh, buôn bán, số còn lại là cán bộ công chức, viên chức, người lao động đã nghỉ hưu và đang công tác... Tất cả họ luôn đoàn kết thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và thành phố, quyết tâm dựng xây Thành phố Phúc Yên ngày càng phát triển, giàu mạnh.
Đường Trưng Trắc có thể đưa du kháchtới các di tích lịch sử không thể nào quên của thành phố Phúc Yên đó là Thành Trắng và Thành Đỏ. Đồng thời đưa du khách đến với khu du lịch Đại Lải - một điểm đến du lịch hấp dẫn của thành phố Phúc Yên nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung; đến với 1 số địa chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa của đất và người Phúc Yên xưa như: Nhà thờ Phúc Yên; trường mầm non Hoa Hồng xưa kia nơi đây là xưởng sản xuất nước chấm Magi nức tiếng một thời...
Dạo bước trên con đường Trưng Trắc hôm nay, mỗi chúng ta đều cảm nhận rõ sự năng động và phát triển của một thành phố trẻ - cửa ngõ của tỉnh Vĩnh Phúc, đô thị vệ tinh của vùng thủ đô Hà Nội, với sự hội tụ những tiêu chí về một đô thị văn minh, hiện đại. Tất cả đã và đang góp phần không nhỏ làm cho “bức tranh” thành phố Phúc Yên ngày một đa sắc màu để lan tỏa và vươn lên phát triển mạnh mẽ trong tương lai không xa.
Vũ Anh