Cập nhật: 31/01/2019 08:48:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Con đường được mang tên một tướng lĩnh tài ba của quân đội nhân dân Việt Nam - một người đã có những cống hiến quan trọng vào sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam - đó là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và con đường được mang tên ông tại Thành phố Vĩnh Yên.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914 tại làng Niềm Phò, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên, nay là làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sinh trưởng trong một gia đình trung nông, thuở nhỏ cũng được học hành, năm 14 tuổi, cha qua đời, gia đình nghèo, ông bỏ học, đi làm tá điền kiếm sống và nuôi gia đình. Năm 1934, ông tham gia cách mạng trong phong trào Mặt trận Bình dân. Năm 1937, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, lần lượt giữ các chức vụ: Bí thư chi bộ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Từ năm 1938 đến năm 1943, ông nhiều lần bị Pháp bắt giam ở nhà lao Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột.

Sau khi ra tù và trở lại hoạt động, ông được bầu làm Bí thư Khu ủy khu IV và được cử đi dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào (8/1945). Trong Đại hội Đảng ở Tân Trào, ông được đặt bí danh là Nguyễn Chí Thanh, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ có nhiệm vụ theo dõi và tổ chức giành chính quyền tại Trung Kỳ trong Cách mạng tháng 8. Từ năm 1948 đến 1950, ông làm Bí thư Liên khu ủy IV. Cuối năm 1950, ông được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951), được cử vào Bộ Chính trị. Năm 1959, ông được phong quân hàm Đại tướng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960), Nguyễn Chí Thanh tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Năm 1961, được giao nhiệm vụ Phụ trách Ban Nông nghiệp của Đảng. Năm 1961, ông liên tục phát động các phong trào thi đua trong các HTX, giúp ổn định tình hình phát triển trong hoạt động sản xuất nông nghiệp miền Bắc. Từ năm 1965 đến năm 1967, ông được phân công vào Nam, giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam. Thời gian này ông lấy bí danh là Sáu Vi. Khi viết báo, ông thường lấy bút danh là Trường Sơn.

Tại chiến trường, ông là người đề ra chiến thuật đánh áp sát của Quân Giải phóng miền Nam với phương châm "Nắm thắt lưng địch mà đánh", lối đánh này dùng phương châm cơ động áp sát nhằm hạn chế ưu thế hỏa lực của đế quốc Mỹ.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất ngày 6/7/1967 hưởng thọ 53 tuổi.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao vàng (truy tặng), Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác...

Biết ơn công lao to lớn của người cộng sản kiên cường - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà thơ Châu La Việt trong bài “Gió đại phong vẫn thổi” đã viết: 

“...Kiến Giang ơi vẫn xôn xao dòng sông

 Nhớ đêm Anh chèo đò miệng ngọt ngào câu hát

Tướng và Dân cùng chung nhịp tim đập

Sông như lòng gương tỏa sáng đến mai sau…

Tên Anh thành truyền thuyết, ca dao

Trong lời người dân gian, trong câu ca mộc mạc

Gió Đại Phong truyền khắp miền đất nước

Hóa thành cơn bão táp những ruộng đồng...”

Đường Nguyễn Chí Thanh đi qua địa bàn phường Đống Đa, Thành phố Vĩnh Yên. Điểm đầu nối với Quốc lộ 2 - đoạn đường Mê Linh thuộc phường Liên Bảo; điểm cuối nối với nút giao giữa đường Nguyễn Trãi và đường Hai Bà Trưng - nơi tiếp giáp với UBND tỉnh, trung tâm Hội nghị tỉnh.

Tuy là một con đường có chiều dài chỉ gần 1km, song đường Nguyễn Chí Thanh vẫn luôn được coi là một con đường đẹp, tạo nên những nét chấm phá riêng, góp phần làm cho bộ mặt đô thị Vĩnh Yên thêm phong phú, đa dạng phù hợp với quy luật phát triển của mạng lưới giao thông gắn kết Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành lân cận.

Chỉ qua con đường này thôi du khách cũng như những người dân sẽ dễ dàng tìm đến địa chỉ của 1 số các cơ quan, đoàn thể tỉnh Vĩnh Phúc như: Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh, Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc, Trung tâm Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ, Công ty tư vấn & Thiết kế kiến trúc, Hội Cựu chiến binh tỉnh, CLB Hưu trí tỉnh, Đảng ủy khối CCQ tỉnh, UBMTTQ tỉnh, Sở Khoa học & Công nghệ...

Đặc biệt cũng trên con đường này luôn là địa chỉ tìm về của nhiều người sau những giờ làm việc căng thẳng. Họ đã đến đây để thưởng thức những cốc trà, những ly cà phê thơm phức, thưởng thức những bản nhạc nhẹ nhàng, du dương cũng như những món ăn ngon và cũng để rèn luyện, nâng cao sức khỏe tại tổ hợp thể thao FAMY...Đó chắc chắn là khoảng thời gian cần thiết làm cho cuộc sống của mỗi chúng ta thêm ý nghĩa và thi vị...

Thời gian đã trôi đi, đất nước Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới: Hội nhập - Đổi mới và Phát triển, song những cống hiến xuất sắc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho sự nghiệp cách mạng của đất nước vẫn mãi mãi in đậm trong tâm trí của mỗi chúng ta, trong lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam anh hùng.

 Vũ Anh

Tệp đính kèm