Cập nhật: 01/03/2019 14:48:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Con đường được mang tên một người anh hùng dân tộc - một nhà chính trị, quân sự, ngoại giao - một nhà văn, nhà thơ vĩ đại của dân tộc Việt Nam và thế giới - đó là danh nhân Nguyễn Trãi và con đường được mang tên ông tại Thành phố Vĩnh Yên.

Nguyễn Trãi hiệu Ức Trai, (sinh năm 1380 - mất 1442), quê quán làng Chi Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương sau dời về làng Ngọc Ổi (xã Nhị Khê) huyện Thường Tín, tỉnh Hà Sơn Bình trước đây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Cha ông là Nguyễn Phi Khanh - con rể của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, đời nhà Trần. Năm lên 6 tuổi, mẹ mất, Nguyễn Trãi phải về Côn Sơn ở với ông ngoại. Năm 1390, ông ngoại qua đời, Nguyễn Trãi theo cha trở về sống ở làng Nhị Khê. 

Ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Trãi đã nổi tiếng trong vùng là một người học rộng, tài cao. Năm 1400, ông thi đỗ “Thái học sinh” triều Hồ. Năm 1407, giặc Minh sang xâm lược, nhà Hồ thất bại, Nguyễn Trãi nghe lời cha trở về quê hương và bị giặc giam lỏng tại thành Ðông Quan suốt 10 năm. Trốn thoát khỏi tay giặc, ông náu mình chờ thời. Đây là khoảng thời gian Nguyễn Trãi đi sâu vào nông thôn, hiểu được đời sống nhân dân, thấm thía sức mạnh của dân và nhờ đó, ông nhận ra chân lí: muốn cứu nước phải dựa vào dân.

Năm 1416, ông tìm đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, dâng cho Lê Lợi tác phẩm “Bình Ngô sách”. Từ đó, ông gắn bó với phong trào khởi nghĩa Lam Sơn, tham gia xây dựng đường lối quân sự, chính trị và đảm đương những nhiệm vụ quan trọng. Năm 1428, cuộc kháng chiến chống quân Minh thành công, Nguyễn Trãi trở thành “Khai quốc công thần” của triều đình nhà Hậu Lê.

Giữ chức quan “Nhập nội hành khiển”, trở thành trụ cột của triều đình song tài năng và đức độ của Nguyễn Trãi đã bị bọn gian thần ganh ghét, đố kỵ, tìm cách hãm hại. Năm 1433, Vua Lê Thái Tổ mất, Nguyễn Trãi xin về ở ẩn ở Côn Sơn (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương). Khi Vua Lê Thái Tôn lên ngôi, hiểu rõ Nguyễn Trãi, nhà vua đã cho mời ông trở lại làm quan, giữ chức “Tả gián nghị đại phu”. Năm 1442, vụ án Lệ Chi viên xảy ra, Nguyễn Trãi bị can tội giết vua, cả dòng họ bị tru di. Năm 1464, Vua Lê Thánh Tông đã xuống chiếu giải oan, phục hồi chức tước và cho người tìm lại toàn bộ trước tác của ông.

Có thể nói tư tưởng nhân nghĩa “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo” là đỉnh cao chói sáng trong con người Nguyễn Trãi và các sáng tác của ông để lại cho hậu thế như: “Bình Ngô đại cáo”, “Quân trung từ mệnh tập”, “Văn bia Vĩnh Lăng soạn năm 1435”, “Dư địa chí soạn năm 1435”, “Ức Trai thi tập”...

Năm 1980, Nguyễn Trãi được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là “Danh nhân văn hoá thế giới”. Tên tuổi của Nguyễn Trãi nằm trong danh sách 14 vị anh hùng của dân tộc Việt Nam.

Đường Nguyễn Trãi có độ dài khoảng gần 1km, đi qua địa bàn phường  Đống Đa - thành phố Vĩnh Yên. Điểm đầu nối với quốc lộ 2, nơi giao cắt giữa ngã tư Mê Linh và đường Chu Văn An (thuộc phường Liên Bảo). Điểm cuối nối với đường Lý Thái Tổ. Đây là một trong những con đường đẹp và có thể coi là cửa ngõ trung tâm, là bộ mặt của Thành phố Vĩnh Yên.

Cùng với đường Lý Thái Tổ, đường Nguyễn Chí Thanh, đường Nguyễn Trãi đưa du khách gần xa cũng như  những người dân trên địa bàn đến với cơ quan của tỉnh đó là: Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung tâm Hành chính công tỉnh, Trung tâm hội nghị tỉnh và Thư viện tỉnh...

Đường Nguyễn Trãi luôn được chỉnh trang và trang trí rất đẹp như: Hệ thống đèn chiếu sáng truyền thống và nghệ thuật, kết hợp với hệ thống cây xanh, hoa...Tất cả luôn làm cho du khách khi đi qua con đường này đều cảm thấy hết sức ấn tượng.

Điều quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết là tinh thần, trách nhiệm của mỗi người con đất Việt, trong đó có những người con Vĩnh Phúc, phải biết cách trân trọng, tiếp nối lịch sử văn hóa của dân tộc, ra sức phấn đấu, dựng xây đất nước mãi đẹp như gấm hoa và để cho lịch sử mãi ngàn đời lưu danh các bậc tiền nhân.

Vũ Anh

Tệp đính kèm