Cập nhật: 25/04/2019 14:22:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Con đường được mang tên người Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam - đó là Tổng Bí thư Trần Phú  - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người cộng sản kiên cường, mẫu mực - người con ưu tú của Đảng và dân tộc Việt Nam, suốt đời chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.        

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, trong một gia đình trí thức nho học giàu lòng yêu nước tại xã Tùng Ảnh - huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trần Phú đã dồn hết tâm trí cho học tập, giúp đỡ bạn bè cùng chí hướng và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước.

Sau khi đỗ đầu kỳ thi thành chung ở Huế năm 1922, Trần Phú được bổ nhiệm làm giáo viên Trường tiểu học Cao Xuân Dục tại Vinh. Trong những năm dạy học ở Vinh, Trần Phú nổi tiếng là một giáo viên dạy giỏi, yêu trò, đoàn kết các đồng nghiệp, khơi dậy trong thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, yêu quê hương và lòng căm thù giặc sâu sắc. Đồng chí đã tiếp nhận những tư tưởng yêu nước và cách mạng của Nguyễn Ái Quốc qua sách báo truyền vào Việt Nam lúc đó. Năm 1925, đồng chí đã tham gia sáng lập Hội Phục Việt (sau đổi là Hội Hưng Nam, Việt Nam cách mạng Đảng) lãnh đạo phong trào cách mạng.

Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của Trần Phú là việc được cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên”. Tại đây Trần Phú đã gặp Nguyễn Ái Quốc, dự lớp huấn luyện chính trị do Người giảng dạy. Trần Phú được Nguyễn Ái Quốc tin cậy, kết nạp vào nhóm bí mật (Cộng sản Đoàn) với tên gọi Lý Quý, được giới thiệu sang học tại Trường đại học Phương Đông ở Mátxcơva. Chính những năm học tập, nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, tham gia hoạt động thực tiễn, đặc biệt trao đổi với các đồng nghiệp của các Đảng anh em về những vấn đề dân tộc và thuộc địa, Trần Phú đã có bước trưởng thành, đủ sức gánh vác những nhiệm vụ do Đảng phân công.

Tháng 4/1930, Trần Phú được Quốc tế Cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử về nước hoạt động với cương vị là cán bộ chủ chốt của Đảng và có những đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam. Tháng 7/1930, Trần Phú được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời.

Bản “Luận cương chính trị” do Trần Phú dự thảo và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930 thông qua, là văn kiện quan trọng của Đảng, đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những luận điểm cơ bản trình bày trong “Chính cương vắn tắt” và “Sách lược vắn tắt” do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng.

Với công lao và đóng góp to lớn đó, đồng chí Trần Phú đã được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10/1930 bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng khi vừa tròn 26 tuổi.

Đồng chí Trần Phú hy sinh năm 1931 khi vừa tròn 27 tuổi. Trước khi hy sinh, đồng chí đã nhắn nhủ các đồng chí, đồng bào của mình: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Câu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư Trần Phú đã trở thành vũ khí, phương châm, lý tưởng sống, ý chí quyết tâm phấn đấu, cống hiến của các thế hệ cán bộ, đảng viên và tuổi trẻ Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: "Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng". Trong bài tưởng nhớ đồng chí Trần Phú năm 1932 lưu trữ tại Hồ sơ Quốc tế Cộng sản đã khẳng định: "Sự nghiệp cách mạng, niềm tin và phẩm chất cao đẹp của Tổng Bí thư Trần Phú trong nhà tù đế quốc sẽ mãi mãi là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản trên toàn thế giới, đặc biệt là những người cộng sản Đông Dương".

Đường Trần Phú có độ dài khoảng hơn 2 km, đi qua địa bàn phường Liên Bảo và xã Định Trung - Thành phố Vĩnh Yên. Điểm đầu được tính từ ngã 3 Dốc Láp (điểm giao cắt giữa đường Kim Ngọc và đường Mê Linh), đi qua ngã 5 gốc Vừng, điểm cuối là nút giao thông vòng xuyến khu vực ngã 3 - giao cắt giữa khu đô thị Hà Tiên, trường Dạy nghề số 11 Bộ đội Biên phòng và tuyến Quốc lộ 2B đi cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Đường Trần Phú là một trong những con đường huyết mạch kết nối Trung tâm Thành phố Vĩnh Yên, đưa người dân và du khách từ mọi miền tổ Quốc đến với Vĩnh Phúc và lên thăm quan di tích danh thắng Tam Đảo - Tây Thiên bằng đường bộ.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu cho thấy: trước khi con đường được mang tên đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng CSVN, con đường này đã được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XX, chứng kiến và gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh Vĩnh Phúc những năm kháng chiến chống Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược như: đưa đoàn người biểu tình về giải phóng tỉnh lỵ Vĩnh Yên năm 1945; đón chiếc xe tăng đầu tiên của nước bạn ủng hộ Việt Nam về với “cái nôi” của Binh Chủng TTG đóng ở xã Kim Long - huyện Tam Dương.

Nếu có dịp đi qua con đường này chúng ta sẽ ghé thăm 1 ngôi trường được mang tên đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, đó chính là trường THPT Trần Phú được tọa lạc ngay tại điểm đầu tiên nơi bắt đầu của con đường, vinh dự mang tên ông thuộc Phường Liên Bảo - Thành phố Vĩnh Yên.

Trường THPT Trần Phú tiền thân là Trường trung học Nguyễn Thái Học, được thành lập ngày 11/1/1947. Trải qua 72 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ thầy và trò nhà trường đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ và trở thành một trong những lá cờ đầu của ngành giáo dục tỉnh nhà.

Dạo bước trên con đường Trần Phú hôm nay, những hình ảnh gian khó, nhọc nhằn của người dân Vĩnh Yên xưa đã lùi sâu vào dĩ vãng, thay vào đó là sự “thay da đổi thịt”, bừng sáng của những con đường, ngõ phố với những trụ sở Cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp làm việc khang trang, hiện đại; với những Trung tâm thương mại sầm uất; các hộ gia đình kinh doanh, buôn bán với nhiều ngành nghề phong phú, đa dạng...Tất cả đã và đang có những đóng góp quan trọng vì sự phát triển của thành phố Vĩnh Yên và của tỉnh Vĩnh Phúc.

Vũ Anh

Tệp đính kèm