Nhằm khai thác, phát huy lợi thế, tiềm năng nuôi trồng thủy sản, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Bên cạnh việc nghiên cứu, sản xuất, cung ứng và hỗ trợ những giống thủy sản có năng suất cao ngành Nông nghiệp tỉnh còn chủ động xây dựng và nhân rộng những mô hình nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao để góp phần thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất của người nông dân. Từ đây tạo bước đột phá về kinh tế nông nghiệp cho các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản.
Vĩnh Phúc có tiềm năng lớn về phát triển thủy sản với hệ thống sông, suối, ao, hồ khá dày đặc được phân bố rộng khắp tại 9 huyện, thành phố. Cùng với đó hệ thống Sông Hồng, Sông Lô, sông Phan, sông Phó Đáy, sông Cà Lồ, hệ thống kênh mương thủy lợi như kênh Bến Tre, kênh Liễn Sơn,… đã tạo điều kiện để các địa phương trên địa bàn tỉnh phát triển nuôi trồng thủy sản.
Toàn tỉnh hiện có trên 6.500 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Thời gian qua, Vĩnh Phúc đang nỗ lực thúc đẩy mạnh phát triển thủy sản theo hướng bền vững, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Với mục tiêu phát triển thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, gia tăng giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt đề án phát triển thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030. Ttheo đó, thủy sản Vĩnh Phúc phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,5%/năm, năng suất đạt 4 tấn/ha, sản lượng thủy sản đạt 26.000 tấn và đến năm 2030, tỷ lệ tăng trưởng là 3,6%/năm, năng suất đạt 5 tấn/ha và sản lượng đạt 31.000 tấn.
Để đạt mục tiêu này, tỉnh sẽ dành hơn 90 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất giống thủy sản, hoàn thiện hạ tầng vùng sản xuất thủy sản tập trung, quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đào tạo, tập huấn, xây dựng, nhân rộng các mô hình thủy sản ứng dụng công nghệ cao, chất lượng tốt với những đối tượng nuôi đặc sản…Đồng thời, tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ; bảo vệ môi trường; khải thác, bảo vệ và phát triển nguồn thủy lợi; quản lý tổ chức sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tuyên truyền, quảng bá mở rộng thị trường trong sản xuất thủy sản.
Huyện Vĩnh Tường hiện có trên 1500 ha diện tích mặt nước. Đây là lợi thế tiềm năng lớn để huyện Vĩnh Tường đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, gia tăng thu nhập cho người nông dân. Được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, huyện Vĩnh Tường đã chủ động hướng dẫn, hỗ trợ, khuyến khích các hộ dân trên địa bàn tận dụng diện tích mặt nước và chuyển đổi một số diện tích đồng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang xây dựng mô hình kinh tế trang trại vườn ao chuồng hoặc nuôi thâm canh cá giống mới cho thu nhập cao.
Nhờ định hướng phát triển với kế hoạch cụ thể cùng các chính sách hỗ trợ hiệu quả, đến nay trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã bước đầu hình thành một số mô hình nuôi trồng thâm canh thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đây lan tỏa cách nghĩ, cách làm cho những hộ khác trên địa bàn.
Với các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp, cùng với sự vào cuộc quyết tâm cao của ngành Nông nghiệp, chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân, tin tưởng ngành nuôi trồng thủy sản sẽ vươn lên phát triển bền vững. Qua đây, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn và nâng cao đời sống người nông dân./.
Đức Thiện